Làng Văn hóa Du lịch sẽ được xây dựng tập trung ở các địa bàn phù hợp, có vị trí thuận lợi về giao thông, được đầu tư phát triển hạ tầng và có sản phẩm chủ lực để xây dựng sản phẩm đặc thù. Trong đó, trước mắt tập trung khảo sát tại các xã như: Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), xã Nguyễn Phích (huyện U Minh).
Trong năm 2020, nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm và Bộ tiêu chí riêng cho Làng văn hóa du lịch; tập trung khảo sát, đánh giá, phân tích hiện trạng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, yếu tố kinh tế sản xuất, dịch vụ (sản phẩm chủ lực, sản lượng nông lâm ngư nghiệp, các dịch vụ, lễ hội...) của các ấp tại các xã đã nêu; nhận diện nguồn tài nguyên du lịch chính của các địa phương; rà soát điều kiện về hạ tầng,... Từ đó, xây dựng mục tiêu thực hiện và tổ chức thực hiện.
Đến năm 2021, lựa chọn và thí điểm tại xã có đủ điều kiện đảm bảo các tiêu chí của làng văn hóa du lịch. Trong đó, cần xây dựng mô hình đưa các sản phẩm đặc thù vào khai thác, tạo thương hiệu du lịch riêng; kết hợp với đề xuất về hình thức quản lý, vận hành và hỗ trợ nâng cao chất lượng phục vụ của nguồn nhân lực du lịch tại địa phương. Đảm bảo đến năm 2025 có ít nhất 1 Làng văn hóa du lịch có điểm đến hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
Việc triển khai thực hiện thí điểm Làng văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời khai thác tiềm năng, phát triển ngành nghề nông thôn; chú trọng khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống và hình thành làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quảng bá hình ảnh du lịch của Cà Mau.
Nguồn tin: Báo Tổ quốc
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023