Thời gian gần đây, mô hình nuôi lươn trong bể đang trên đà phát triển trên địa bàn huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Từ mô hình nuôi lươn trong bể đã giúp nhiều gia đình có thu nhập cao, ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
Anh Nguyễn Lê Kim Phát, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian công tác ở huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh thấy có trang trại nuôi lươn ở ngay sát nơi ở, anh nhiều lần ghé tham quan và học hỏi kinh nghiệm nuôi.
Nhận thấy nuôi lươn hiệu quả, dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, giá cả thị trường ổn định, lại dễ tiêu thụ, nên anh quyết định về quê đầu tư kinh phí xây bể xi măng, đan sạp tre làm giá thể, mua 4.000 con lươn giống (loại 100 con/kg, giá 600.000 đồng/kg) từ một cơ sở về thả nuôi 6 bể xi măng.
Nhưng lứa nuôi lươn đầu tiên của anh Phát không hiệu quả do chưa có kinh nghiệm nuôi, lươn chậm lớn, tỷ lệ hao hụt nhiều, lỗ lên đến 280 triệu đồng. Không nản chí, anh tiếp tục đầu tư nuôi lứa mới, vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm qua những người nuôi đi trước cũng như qua Internet. Thế nhưng, cũng phải đến 3 năm sau anh mới bắt đầu nuôi lươn có lãi, mà tiền lãi cũng chỉ khoảng 100 triệu đồng/năm.
Trong quá trình nuôi, anh Phát cũng nhận thấy việc nuôi lươn gặp rất nhiều về việc tìm kiếm con giống, nhất là con giống chất lượng. Năm 2016, anh lại bắt đầu thử nghiệm làm bể nuôi lươn bố mẹ để đẻ trứng và tự ươm giống.
Sau một thời gian thử nghiệm anh cũng đã rất thành công với việc ươm giống lươn. Hiện nay, mỗi tháng anh cung cấp cho thị trường từ 20.000 con đến 30.000 con giống lươn (loại 500 con/kg đã ươm được 2,5 đến 3 tháng), cộng với việc bán lươn thịt, sau khi trừ các khoản chi phí mỗi năm trung bình anh lời khoảng 600 triệu đồng thu nhập từ nuôi lươn.
Theo kinh nghiệm nuôi lươn, anh Phát chia sẻ, để lươn mau lớn và phát triển đều, ngoài việc chọn con giống tốt, rõ nguồn gốc, thức ăn đủ lượng, có hàm lượng đạm cao phối trộn với trùn quế thì nguồn nước nuôi cũng rất quan trọng nhất là hàm lượng pH trong nước luôn duy trì ổn định. Nước nuôi lươn lấy từ giếng khoan, bơm cho chảy qua bể lọc, dự trữ ở bể lắng rồi mới bơm cho bể nuôi. Đối với những khu vực nước có phèn càng nhiều thì nước phải cho chảy qua hai bể lọc.
Còn gia đình anh Trần Anh Hùng, ấp Hòa Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ năm 2017 được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ hỗ trợ 4.000 con lươn giống để nuôi thử nghiệm trong bể xi măng, với giá thể là sợi nilon. Sau khoảng hơn 1 tháng anh thấy lươn phát triển tốt, độ pH trong nước ổn định nên quyết định đầu tư nuôi.
Đến năm 2018, anh bắt đầu tích lũy được kinh nghiệm nuôi nên nuôi bắt đầu thành công, trong năm 2018 từ tiền bán lươn thịt anh thu về 200 triệu đồng. Hiện nay, anh đang nuôi 3 bể lươn với 1.200 con, ước đến khi xuất bán khoảng 200 kg (giá bán từ 200.000 đến 215.000 đồng/kg).
Theo kinh nghiệm của một số hộ nuôi lươn trên địa bàn huyện Đất Đỏ thì việc nuôi lươn không tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên cần lưu ý phải luôn có nước chảy xả tràn vào bể để nước luôn được cung cấp oxy đầy đủ, nước trong bể sạch sẽ giúp lươn mau lớn…
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện một số mô hình của các hộ gia đình nuôi lươn trong bể xi măng và bể bạt, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu.