Chạy dọc theo con đường nông thôn xứ cồn Bình Thạnh, nhiều người dân đang tất bật thu hoạch dứt điểm vụ này, để chuẩn bị vụ mới cho kịp Tết. Ngoài ra, cũng không ít bà con nông dân đang chăm sóc những cây con vừa mới gieo trồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Bà con nông dân ở đây trồng rau màu quanh năm, vòng quay đất từ 3-4 lần/năm. Người thì trồng loại này, người thì trồng giống kia nên thời gian thu hoạch và xuống giống hầu như ngày nào cũng có. Đó là cách để nông dân giảm nguy cơ được mùa, mất giá”. Theo anh Thiện, diện tích trồng rau màu toàn xã hiện có 160ha. Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, bà con nông dân tranh thủ xuống giống rau màu. Các loại rau màu chủ lực được nông dân gieo trồng nhiều trong dịp này là: bắp cải, ớt, hành, dưa leo, rau cải các loại…
Cũng như các nông dân khác, từ sáng sớm, vợ chồng anh Lê Quang Trung (ngụ ấp Thạnh Hòa) đã ra thăm rẫy. Đặc biệt là chăm sóc kỹ 1 công hành lá chuẩn bị thu hoạch. Theo anh Trung, vụ này, hành lá bị sâu bệnh gây thối gốc, chết đột ngột khiến nhiều nông dân không kịp trở tay. Chính vì thế, vợ chồng anh phải theo dõi sát tình hình, để kịp ứng phó. Thu hoạch vụ hành này xong, anh Trung sẽ tranh thủ trồng cải bẹ dúng hoặc cải tùa xại. Ngoài ra, vợ chồng anh đã xuống giống 4 công đất để trồng rau, dưa các loại chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. “Năm nào cũng vậy, đến gần Tết, tôi tranh thủ dọn đất chuẩn bị xuống giống các loại rau màu để kiếm thêm nguồn thu nhập, chủ yếu là trồng các loại bắp cải, cải bẹ dúng, cải tùa xại… Mùa này, thời tiết thuận lợi, các loại cải phát triển rất tốt, ít sâu bệnh phá hoại. Tuy nhiên, giá cả rau màu bấp bênh, phải đến cận ngày bán mới biết được giá bán. Chỉ cần bán được với giá 5.000 đồng/kg, người trồng đã có lãi, ăn Tết ngon lành” - anh Trung chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Thảo (ngụ ấp Thạnh Hòa) cho biết, thời tiết như hiện nay, bắp cải phát triển rất nhanh không phải lo về năng suất nhưng giá bán thì phải đợi đến khi thu hoạch mới biết được. Thông thường giá bán vào dịp Tết sẽ cao hơn so với ngày thường. Nếu giá cả 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi trên 10 triệu đồng/công. Anh Thảo chia sẻ kinh nghiệm: “Để trồng màu trúng mùa, được giá cần phải áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kết hợp áp dụng luân canh và đa canh vào sản xuất. Ngoài ra, cần phải có kinh nghiệm trong chọn giống cây trồng phù hợp với thời tiết, mùa vụ và dự đoán thị trường tiêu thụ để tránh trường hợp trúng mùa nhưng mất giá”.
Còn chị Lê Thị Thắm (ngụ ấp Thạnh Hòa) cho hay, vụ Tết này, bà trồng hơn 4 công cải bắp bông, bắp cải, đậu que. Chị Thắm cho biết: “Trồng rẫy vụ Tết rất yên tâm về năng suất, do thời tiết thuận lợi, chỉ lo đầu ra và giá bán. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng trên giàn như đậu que, giá rất ít biến động, đầu ra tương đối ổn định so với những loại rau màu khác”. Với 2 công đậu que, sau 50 ngày trồng sẽ cho thu hoạch trong vòng 1 tháng. Nếu bán được với giá từ 10.000-12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị Thắm sẽ thu lợi nhuận gần 10 triệu đồng/công.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh Nguyễn Chí Thiện cho biết, hiện tại, bà con nông dân trên địa bàn xã tích cực chuẩn bị xuống giống rau màu cho vụ Tết. Nhằm giúp nông dân sản xuất rau màu vụ Tết thuận lợi và đạt hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân xã phối hợp ngành nông nghiệp thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân bón phân cân đối, thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm sâu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, chú ý chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, đúng nguyên tắc, ưu tiên các loại thuốc sinh học, thân thiện môi trường và tuân thủ thời gian cách ly nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.