Thương mại điện tử chờ bùng nổ

Thứ sáu - 22/11/2019 22:14
Mặc dù tham gia muộn hơn các quốc gia trong khu vực, nhưng hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam đang tạo ra một sự bùng nổ khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì tỷ lệ phát triển hiện nay vẫn còn khá thấp.
Thương mại điện tử chờ bùng nổ
Thực tế, thương mại điện tử là xu hướng kinh doanh, tiêu dùng tất yếu gắn liền với sự phát triển của công nghệ, sự tiếp nhận dịch vụ từ doanh nghiệp đến người dân.

Hiện, số người tham gia mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng khá đều đặn và đã lên tới 40 triệu người, tức cứ 2 người thì có 1 người tham gia thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu so với mức bán lẻ trên cả nước chỉ bằng 4,2%.


Tiềm năng vẫn… tiềm ẩn


Tính đến năm 2019, Việt Nam có 61 triệu người dùng Internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone).

Đây chính là sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế khi trở thành thị trường đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực, với 600 triệu USD từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2019.

Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Theo ông Stephen Kuo, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Alibaba, Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển thương mại điện tử như nền kinh tế phát triển, duy trì mức ổn định, dân số đông và cơ cấu dân số trẻ, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tương đối lớn với khoảng 500.000 doanh nghiệp, đồng thời có thế mạnh phát triển nhiều mảng sản xuất đa dạng.

Ông Stephen cho rằng nếu vẫn duy trì mức độ tăng trưởng trung bình năm 25 - 30% như hiện nay, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 sẽ đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.

Sách trắng thương mại điện tử 2018 do Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành mới đây cho thấy một con số bất ngờ khi năm 2018, toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 8,06 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2017, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ.

Theo đó, 36% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có bán hàng trên mạng xã hội (tăng 4% so với năm 2017). Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45% (tăng mạnh so với tỷ lệ 39% năm 2017), bán hàng qua website là 32% và qua ứng dụng di động là 22%. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã tích cực sử dụng mạng xã hội để tiếp thị và chăm sóc khách hàng.

Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành thương mại điện tử ở Việt Nam, khi các hoạt động kinh doanh, giao dịch trực tuyến bằng công nghệ hiện đại đang dần thay thế các hình thức mua bán truyền thống.

Thực tế, tiềm năng về thương mại điện tử ở Việt Nam là rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa biết đến và chưa biết cách tận dụng tối đa ưu thế của thương mại điện tử. Số liệu cho thấy trong số các doanh nghiệp bán hàng trên sàn thương mại điện tử đều có website, nhưng chỉ khoảng 61% trong số đó có ứng dụng cho di động.


Giành niềm tin người tiêu dùng


Theo báo cáo về nền kinh tế số của Google, Temasek cùng với đối tác mới Bain & Company, ở Việt Nam, chỉ 1 trong 5 doanh nghiệp nhỏ và vừa có sự hiện diện trực tuyến.

Ngay cả những “ông lớn” thương mại điện tử cũng vẫn đang loay hoay chưa có sự tăng trưởng rõ ràng. Đồ thị về lượng truy cập website của 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu từ quý III/2018 - III/2019 thể hiện ngoại trừ Sendo tăng đều lượng truy cập, còn lại hầu hết giảm dần theo quý.

Shopee vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong quý III/2019 thì Tiki từ vị trí thứ hai của quý trước đã rơi xuống vị trí thứ ba, nhường cho Sendo; Lazada rơi từ vị trí thứ ba xuống vị trí thứ tư.

Nguyên nhân của việc doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam “lười” kinh doanh thương mại điện tử và sự loay hoay của chính các “ông lớn” phần nhiều đến từ lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp. Khảo sát 10 người mua hàng trên mạng có tới 5 người cho biết không hài lòng với phương thức mua bán trực tuyến.

Một nguyên nhân khác khiến thương mại điện tử chưa phát triển xứng với tiềm năng là dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế; chính sách pháp luật thiếu tính đồng bộ. Đến nay, các chính sách thương mại điện tử Việt Nam chỉ tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh năng động liền kề.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho rằng để có thể phát triển được thương mại điện tử một cách bền vững, ngoài hoàn thiện những tồn tại còn cần nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây