Chợ Điện Tử là sản phẩm mà Chủ tịch NextTech đặt kì vọng rất lớn, song sự thoái lui của tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới hồi ấy khiến nó rời khỏi cuộc cạnh tranh.
Ngày 14/4/2016, Cổng thông tin điện tử của Cục Thương Mại điện tử (TMĐT) và CNTT (vecita.vn) công bố Báo cáo thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2015.
Báo cáo đưa ra danh sách 10 nền tảng TMĐT tham gia khảo sát có tổng doanh thu cao nhất từ hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT như thu phí gian hàng, thu phí thành viên, quảng cáo, phí dựa trên % đơn hàng.
Trong danh sách, sàn giao dịch trực tuyến Chợ Điện Tử (chodientu.vn) xếp ở vị trí thứ hai, chỉ sau lazada.vn, sàn TMĐT mà tập đoàn Alibaba của Trung Quốc chi khoảng 1 tỷ USD để sở hữu.
Nền tảng thương mại điện tử đầu tiên
Vị trí của của Chợ Điện Tử đã phần nào cho thấy các sàn TMĐT "thuần Việt" với những giải pháp độc đáo và am hiểu địa phương hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ lớn từ nước ngoài mặc dù hoàn toàn bị lép vế về tiềm lực tài chính.
Ra đời năm 2005, Chợ Điện Tử là sàn thương mại điện tử đầu tiên và từng lớn nhất ở Việt Nam. Hồi đó, Chợ Điện Tử là sản phẩm của PeaceSoft, công ty tiền thân của tập đoàn NextTech. Sàn đã nhận sự hợp tác của eBay, sàn TMĐT lớn nhất thế giới hồi ấy.
"Chúng tôi nhận vốn của eBay vào năm 2011. Khi thị trường TMĐT ở Việt Nam bắt đầu bùng nổ, các nhà đầu tư nước ngoài rót hàng trăm triệu USD vào Việt Nam, gấp hàng chục lần số vốn eBay đầu tư cho Chợ Điện Tử", ông Bình tiết lộ.
Mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài là "đốt tiền" để chiếm lĩnh thị trường TMĐT ở Việt Nam. Nhưng eBay lại không muốn chạy đua bằng tiền vì họ tin rằng tiền không thể giúp bất kì ai chinh phục thị trường Việt Nam cũng như Đông Nam Á vì điều kiện ở đây chưa chín muồi.
"Hồi ấy ban lãnh đạo eBay rút khỏi Việt Nam. Thực tế sau đó chứng minh eBay đã nhận định sai", ông Bình nói.
"Thất bại có thể đến từ việc nhận vốn"
Bài học mà ông Bình rút ra là: Chủ doanh nghiệp đừng bao giờ nghĩ rằng khi chúng ta nhận vốn từ một nhà đầu tư chiến lược, chúng ta sẽ thành công. Ngược lại, đó hoàn toàn có thể là khởi đầu của một sự thất bại.
"Thất bại có thể xảy ra nếu chúng ta chọn đối tác chiến lược không phù hợp, hoặc đối tác chiến lược không quyết tâm sát cánh với chúng ta, hoặc chúng ta chọn đối tác chiến lược quá sớm", ông Bình nhận xét.
Hiện tại, Chợ Điện Tử hay Vật Giá đã không còn là cái tên mà mọi người nhắc tới trong cuộc đua TMĐT ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Bình là nhìn ra sự may mắn trong thất bại ấy, bởi tập đoàn của ông không phải đốt tiền cho một cuộc đua chưa tới hồi kết.
"Các sàn TMĐT lớn nhất ở Việt Nam đang chi hàng trăm triệu USD mỗi năm nhưng vẫn tiếp tục lỗ. Trên phạm vi Đông Nam Á, số lỗ lên tới vài tỉ USD", ông Bình nói.
Sau thất bại trên mặt trận TMĐT, NextTech đã quyết định chuyển hướng tử sang chiến lược "điện tử hóa thương mại", với một hệ sinh thái phong phú để hỗ trợ hoạt động TMĐT.
NextTech liên tục triển khai các sản phẩm mới như giải pháp thanh toán thẻ tín dụng trên di động mPOS, cổng mua sắm trực tuyến WeShop, giải pháp hậu cần kho vận cho thương mại điện tử Boxme, hay ví điện tử trên di động Vimo và mở rộng hoạt động ra nhiều quốc gia khác.