Tại Hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2022, tổ chức tại Gia Lai, 250 gian hàng của 20 HTX thuộc 30 Liên minh HTX tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hơn 100 doanh nghiệp liên kết chuỗi giá trị với HTX có cơ hội được chia sẻ, hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm hàng hóa, tiếp cận trực tiếp các nhà phân phối trên thị trường.
Cơ hội hợp tác, tiêu thụ sản phẩm
Sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX... đã cho thấy tiềm năng, lợi thế, sức sản xuất và sắc thái văn hoá của khu vực kinh tế tập thể, HTX ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và kinh tế tập thể, HTX trên cả nước nói chung.
Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai (Gia Lai) cho hay, để tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm gạo OCOP 4 sao trên thị trường, ngoài hoàn thiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, HTX còn tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
“Tham gia hội chợ lần này giúp HTX từng bước hoàn thiện kế hoạch quảng bá hình ảnh, mẫu mã, phát triển thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, ký kết các hợp đồng kinh tế đã đặt ra trong cả năm”, ông Nghĩa nói.
Bà Mlốp, Giám đốc HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar (Gia Lai), cho biết sản phẩm túi thổ cẩm Glar đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP, có tem truy xuất. Khi tham gia hội chợ, HTX mong muốn sẽ hợp tác với các doanh nghiệp, mở rộng các kênh phân phối mặt hàng thổ cẩm giữa các tỉnh, thành phố.
Hiệu quả của hội chợ thương mại nông sản đã rõ, tuy nhiên, không ít nhà sản xuất, HTX tham gia hội chợ chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa cũng như vai trò của hội chợ, còn nặng tâm lý mua bán, chưa quan tâm đúng mức đến các cơ hội đầu tư.
Trước thực tế này, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, cho rằng “Việc tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022” giúp các HTX tiếp cận, chia sẻ những cơ hội hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, phát triển hàng hoá, trao đổi và đàm phán với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hãng phân phối hàng hoá trong và ngoài nước,…
Bên cạnh đó, hội chợ là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý, sự ủng hộ của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân đối với công cuộc phát triển kinh tế tập thể, HTX.
“Đây là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ hết sức quý báu đối với hàng vạn HTX, tổ hợp tác và hàng triệu thành viên cùng đội ngũ cán bộ, công nhân viên của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Hoạt động này cũng là cơ hội thúc đẩy khai thác nguồn lực phát triển to lớn của khu vực kinh tế tập thể, HTX, góp phần quan trọng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 – 2023”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Phát huy vai trò của KTTT, HTX
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 18 tỉnh từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên. Dù quá trình sản xuất kinh doanh, các HTX ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên chịu tác động không nhỏ của tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nhưng không ít HTX đã khẳng định được hiệu quả sản xuất kinh doanh, liên kết chuỗi.
Ngay như tại Gia Lai hiện có 386 HTX. Các HTX ngày càng tăng quy mô, mở rộng sản xuất kinh doanh; từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của thành viên. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp dịch vụ Nam Yang, HTX mật ong Phương Di, HTX nông liên hiệp Gia Lai...
Ông Hồ Phước Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Kinh tế tập thể luôn được Đảng và Nhà nước khuyến khích phát triển và được khẳng định trong các Nghị quyết Đại hội của Đảng: “Kinh tế tập thể cùng với khu vực kinh tế Nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân”.
Theo thống kê, đến nay, các HTX của khu vực miền Trung - Tây Nguyên thu hút khoảng 1,5 triệu thành viên, tạo việc làm cho 550 nghìn lao động. Khu vực Kinh tế tập thể, HTX dần khẳng định vai trò vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, góp phần đưa toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên lên 60% đạt chuẩn nông thôn mới.
Để hội chợ thương mại nông sản phát huy đúng vai trò là cầu nối giữa HTX-doanh nghiệp-người tiêu dùng, ngoài việc lựa chọn HTX có sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chú trọng đến mẫu mã để tham gia trưng bày. Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh các tỉnh, thành phố cũng lựa chọn những HTX, tổ hợp tác, Liên hiệp HTX có chiến lược sản xuất, kinh doanh bền vững với những mục tiêu cụ thể.
Mỗi sản phẩm mà từng HTX, liên hiệp HTX mang đến, với sự bài trí cụ thể ở mỗi gian hàng là sự gửi gắm những tình cảm, khát vọng với những thành quả trong quá trình lao động sản xuất, sáng tạo của các thành viên.
Hầu hết các HTX đều mong muốn có nhiều cơ hội để quảng bá, tiếp cận khách hàng ở trong và ngoài tỉnh hoặc tạo động lực liên kết với các HTX khác để mở rộng chuỗi giá trị và hoàn thành những mục tiêu sản xuất kinh doanh cuối năm.
Có thể thấy, việc tổ chức các hội chợ thương mại nông sản nằm trong chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì, nếu được nhân rộng sẽ tiếp tục khẳng định đây là một kênh quan trọng để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng.
Tác giả bài viết: https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/xuc-tien-thuong-mai-va-cau-chuyen-cau-noi-cho-san-pham-cua-htx-1089367.html
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023