Tuy nhiên, đầu tư ngân sách cho XTTM ở Việt Nam còn rất hạn chế. Điều này đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa nguồn lực cho hoạt động XTTM, để hàng hóa Việt Nam củng cố chỗ đứng vững chắc và ngày càng mở rộng thị phần trên bản đồ thị trường thế giới.
Đa dạng các hình thức XTTM
Hoạt động XTTM được đánh giá như “bà mối” góp phần tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động XTTM đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức triển khai. Nếu trước đây, công tác XTTM vẫn chỉ làm theo phương thức truyền thống thông qua việc tổ chức các hội chợ, hội nghị, triển lãm... thì hiện đã được triển khai đa dạng, kết hợp linh hoạt trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số dưới dạng số hóa.
|
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương cho biết, về công tác XTTM thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, năm 2022, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình XTTM lớn như: Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”, chuỗi chương trình kết nối giao thương cấp vùng, hỗ trợ xúc tiến hàng Việt Nam, sản phẩm OCOP... qua đó giúp các nhà sản xuất, cung ứng của nhiều địa phương kết nối với hệ thống phân phối, các đơn vị thu mua phục vụ sản xuất. Đáng chú ý, chuỗi chương trình nâng cao năng lực chuyển đổi số trong XTTM, hỗ trợ kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kỹ năng tham gia hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn đã hỗ trợ doanh nghiệp, nhà cung ứng đa dạng kênh phân phối. Về công tác XTTM thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng triển khai hàng loạt chương trình như tham gia các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài, đón các nhà nhập khẩu vào Việt Nam mua hàng, tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành có uy tín trên thế giới, tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng ở Việt Nam... Đặc biệt, các hoạt động XTTM trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp tiếp tục được tổ chức đã góp phần quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp đạt kết quả xuất khẩu tích cực trong thời gian qua.
Tập trung nguồn lực cho XTTM
Dự báo cho thấy, năm 2023, thị trường thế giới sẽ còn nhiều thách thức khó lường; cạnh tranh thương mại, đầu tư diễn biến phức tạp, bảo hộ ngày càng tăng... Trong bối cảnh đó, công tác XTTM được tích cực triển khai ngay từ đầu năm, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, đặc biệt nông sản có tính mùa vụ để tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá. Theo đó, Bộ Công Thương đã khẩn trương phê duyệt và ban hành Chương trình cấp quốc gia về XTTM và Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động XTTM ở trong nước và quốc tế. Đặc biệt, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với nhiều địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc.
Đứng ở góc độ quản lý, ông Vũ Bá Phú cũng cho biết, hiện nay, năng lực cung ứng hàng hóa và năng lực thích ứng thị trường của doanh nghiệp đã được cải thiện. Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế và đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cho XTTM quảng bá hình ảnh ngành hàng, sản phẩm để giữ vững, phát triển thị trường và kim ngạch xuất khẩu. Song, hiện nay do hạn chế về kinh phí, quy mô hoạt động XTTM của Việt Nam tại các sự kiện XTTM quốc tế rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực, đầu tư ngân sách cho XTTM ở Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước khác, chưa tương xứng với mức tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2012, kinh phí được cấp cho chương trình XTTM quốc gia là 93 tỷ đồng, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD. Kinh phí chương trình XTTM quốc gia được tăng dần các năm sau đó và ổn định ở mức 136 tỷ đồng/năm (khoảng 5,7 triệu USD). Dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt 282,66 tỷ USD, năm 2021 đạt 336,31 tỷ USD, năm 2022 đạt gần 372 tỷ USD. Như vậy, ngân sách chi cho hoạt động XTTM của Việt Nam khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 1,2% của Hàn Quốc, 8% của Thái Lan... “Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Thương mại quốc tế (ITC) về vai trò của XTTM đối với xuất khẩu, mỗi 1USD chi cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu giúp các quốc gia tăng thêm được 87USD giá trị xuất khẩu và 384USD đóng góp vào GDP. Chính vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu coi kinh phí XTTM như là khoản đầu tư cho xuất khẩu, sắp xếp, bổ sung nguồn kinh phí cho XTTM thông qua Chương trình cấp quốc gia về XTTM và Chương trình Thương hiệu quốc gia”, ông Vũ Bá Phú đề xuất.
Đáng chú ý, nếu như trước đây, các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở những phân khúc hàng hóa cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Bối cảnh trên đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành nghề, doanh nghiệp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, những quy định, chính sách mới của các nước, đặc biệt là những quy định, chính sách liên quan đến kinh tế xanh, thương mại xanh. Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương mở rộng mạng lưới cơ quan thương vụ và văn phòng XTTM, bổ sung cơ sở vật chất, kinh phí cho hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu chính sách và hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển xuất khẩu.
Tác giả bài viết: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xuc-tien-thuong-mai-be-do-dua-hang-viet-nam-vuon-xa-719712
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023