Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử, năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 15% với quy mô 13,2 tỷ USD và sẽ tăng trưởng vững chắc trong năm 2021.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ tại sự kiện “Thúc đẩy kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp bán lẻ (Retail University 2021) vừa diễn ra. Chuỗi sự kiện này nằm trong số các hoạt động của VECOM nằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể thúc đẩy kinh doanh trực tuyến. Thông tin tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM cho biết: Theo thống kê của VECOM, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 15%, đạt quy mô 13,2 tỷ USD trong năm 2020 và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021. Chủ tịch Hiệp hội VECOM cũng dự báo, từ nay đến 2025, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, TMĐT và bán lẻ tại Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng cao. “Xu hướng không thể đảo ngược là sự song hành giữa TMĐT và thương mại truyền thống, cả hai đã trở nên gắn kết với nhau hơn bao giờ hết”. Ông Nguyễn Thanh Hưng cũng cho rằng, chiều hướng tăng trưởng TMĐT chỉ là dự đoán. Do đó, để các dự đoán trở thành hiện thực, cần chung tay chung sức để hỗ trợ các nhà bán lẻ (cả truyền thống, cả trực tuyến) có thể gắn kết với nhau, nâng cao kỹ năng có thể phát huy được các lợi thế của CNTT và TMĐT. Nói đến tác động của các công cụ số đến hoạt động doanh nghiệp, bà Tamy Phan, Giám đốc Marketing phụ trách thị trường Việt Nam của Google cho rằng: Cuộc cách mạng số đang phát triển nhanh. Cơ hội tiếp cận kỹ thuật số là chìa khóa giúp mở ra nhiều cánh cửa để thúc đẩy phát triển, từ việc tiếp cận khách hàng cho đến rút ngắn khoảng cách địa lý hay quảng bá thương hiệu. Do đó, Goolge dã có nhiều chương trình hỗ trợ dn vừa và nhỏ chuyển đổi số ở việt Nam. Một báo cáo đánh giá của Google thực hiện tại Việt Nam cho thấy, lượng người di chuyển đến các địa điểm mua sắm vui chơi giảm 19% (tính đến tháng 9/2020). Đặc biệt trong thời điểm tháng 2-3/2020, lượng người di chuyển trong dịch chuyển đến các địa điểm như quán cà phê và địa điểm giải trí... giảm tới 52%. Điều này cho thấy dịch bệnh đã gây ra những tác động đáng kể đến hoạt động các doanh nghiệp bán lẻ. Do đó, việc chuyển đổi, đa dạng hóa các hình thức hoạt động là vô cùng cần thiết để doanh nghiệp duy trì được hoạt động.
Theo chia sẻ từ Hiệp hội VECOM, Retail University 2021 là chương trình tiếp nối với các hoạt động từ năm 2020 thông qua sự phối hợp với nhiều đối tác thực hiện nhằm chương trình đào tạo nâng cao, chuyên sâu để trang bị cho các doanh nghiệp bán lẻ những công cụ cần thiết để kinh doanh trực tuyến, giúp tối ưu hóa các nền tảng, công cụ kỹ thuật số để có thể tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả nhất và có thể ứng phó được với các biến động của thị trường. Chủ tịch VECOM cũng cho rằng: Câu chuyện kinh doanh trực tuyến không đơn giản chỉ là làm website và ứng dụng mà gắn kết nhiều thứ với nhau và phải có một hệ sinh thái để thực hiện. "Không một doanh nghiệp nào có thể đơn độc một mình khi kinh doanh trực tuyến. Do đó, chúng tôi kết hợp tạo lập một hệ sinh thái để có thể hỗ cho các trợ doanh nghiệp", ông Hưng nói.