Trái với không khí tất bật nhộn nhịp trước đây, chợ đầu mối phía Nam quận Hoàng Mai và chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) hiện nay trầm lắng hẳn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Đến chợ đầu mối trong những ngày này, không còn hình ảnh từng đoàn xe tải, xe thồ, xe máy chở hàng hóa nối đuôi nhau vận chuyển hàng qua lại. Lác đác vài chiếc xe máy của các tiểu thương đến lấy hàng đem đi các chợ bán lẻ. Ngay cả những người dân đi mua thực phẩm cho gia đình cũng thưa thớt vì tâm lí e ngại tiếp xúc đông người khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Trước đây mỗi ngày hàng nghìn người đến kinh doanh, buôn bán, với đủ các loại từ thịt, cá, gia súc, gia cầm, rau xanh, hoa quả đến các mặt hàng khô… Nay số lượng người đến chợ ít đi, số lượng mua bán các mặt hàng giảm đi đáng kể, nhiều mặt hàng giảm 1/2 so với trước đây.
Anh Phường (huyện Phú Xuyên), người có thâm niên buôn bán rau củ, quả ở chợ đầu mối phía Nam chia sẻ: Nhiều tiểu thương đã phải nghỉ buôn bán chờ hết dịch. Còn một số tiểu thương như chúng tôi cố gắng bám trụ để giữ mối hàng. Vẫn biết chợ đầu mối là nơi tụ tập đông người, đến từ nhiều tỉnh, thành phố, vậy nên việc phòng tránh lây nhiễm dịch Covid-19 hết sức khó khăn. Nhưng vì công việc, vì miếng cơm manh áo chúng tôi vẫn phải cố gắng nhất có thể. Chúng tôi tự ý thức đeo khẩu trang để bảo vệ cho mình, cho người khác.
Anh Phường cho biết thêm, trước đây khi chưa có dịch vợ chồng tôi bán được trên 1 tấn hàng, nay bán chưa được 3 tạ cầm cự cho qua đợt dịch này. Hàng hóa bán được ít nhưng vợ chồng anh vẫn phải thức khuya dậy sớm. Vẫn 1 giờ sáng đánh xe hàng đến chợ, hơn 2 giờ có mặt hì hục bốc hàng bán cho các tiểu thương khác để cho họ kịp buổi chợ bán lẻ. Số hàng còn lại hai vợ chồng ngồi bán đến tận trưa, thậm chí đến 12 giờ. Chiều về tranh thủ chợp mắt vài tiếng, 4-5 giờ chiều lại ra ruộng thu hoạch chuẩn bị cho buổi chợ tiếp theo.
Với ông Nguyễn Ngọc Thái, người có 10 năm bán dứa ở chợ đầu mối phía Nam tâm sự: Từ sau rằm tháng Giêng đến nay, các tiểu thương tại chợ buôn bán cầm chừng vì ế ẩm, lượng hàng hóa tiêu thụ ngày càng ít. Thời kì chưa dịch lượng dứa bán ra trong ngày từ 12-15 tấn, nay chỉ bán được mỗi ngày khoảng 2 - 3 tấn.
Sức mua hàng hoá đã giảm đi rõ rệt cả về giá và lượng. Hiện giá nhiều loại rau củ quả, thực phẩm đã giảm đáng kể so với trước. Cụ thể, giá cà chua còn 8-10 nghìn/kg (tùy loại), dứa từ 3-6 nghìn đồng/quả (tùy to nhỏ), bắp cải 4-5 nghìn đồng/kg, su hào 2-3 nghìn đồng/củ, đậu xanh 8-10 nghìn đồng/kg, mùng tơi 5-6 nghìn đồng/mớ, rau muống 3,5-5 nghìn đồng/mớ (tùy to nhỏ), cà rốt 5- 10 nghìn đồng/kg (tùy loại), bí xanh, bầu 10 nghìn đồng/kg, cà pháo 6-8 nghìn đồng/kg; trứng gà, vịt các loại từ 18-32 nghìn đồng/chục; tỏi khô từ 40-50 nghìn đồng/kg, hành khô từ 30-40 nghìn đồng/kg…
Chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương bán hoa quả tại chợ Long Biên lắc đầu ngao ngán: Từ khi có dịch, lượng tiêu thụ hàng của cửa hàng chị bắt đầu giảm. Ban đầu thì giảm ít, nhưng càng ngày càng giảm nhiều. Lượng hàng tiêu thụ chỉ bằng 1/3 so với bình thường. Và hầu hết các mặt hàng bán đều chậm. Giờ người ta mua hàng online nhiều. Các chợ ế ẩm nên tình hình chung ở đây cũng giảm theo.
Đại diện Ban quản lý chợ Long Biên cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Đồng thời đã phối hợp với các cấp phòng ban quận Ba Đình tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh. Ban quản lý chợ cũng đã lắp vòi phun khử trùng tự động ở cửa ra vào chợ. Các xe đều được phun khử trùng trực tiếp. Hơn 4.000 khẩu trang đã được phát miễn phí cho bà con ra vào chợ. Chợ cũng đã bố trí 10 điểm rửa tay sát khuẩn theo quy trình 6 bước của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ cũng thường xuyên nắm bắt tình hình sức khoẻ của các hộ kinh doanh. Vận động các hộ kinh doanh giữ gìn vệ sinh môi trường và làm tổng vệ sinh 2 lần/ngày. Nếu phát hiện các biểu hiện của dịch bệnh Covid-19 sẽ thông báo, bảo đảm kịp thời xử lý không để lây lan.
Cuộc mưu sinh lấy đêm làm ngày của những tiểu thương chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) vốn đã vất vả, nay phấp phỏng trước đại dịch. Nhìn các khuôn mặt phờ phạc, lo lắng của các tiểu thương chợ đầu mối mỗi chúng tôi đều cảm thấy chạng lòng. Mong sao dịch Covid 19 sớm qua đi để tiểu thương các chợ đỡ lo âu, việc kinh doanh của họ sớm đi vào ổn định.