Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

Thứ hai - 27/02/2023 05:14
Thời gian qua, Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, phát huy được nhiều sản phẩm (SP) lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao, đồng thời thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn.
Sản phẩm sầu riêng sấy thăng hoa đủ điều kiện đề xuất chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Sản phẩm sầu riêng sấy thăng hoa đủ điều kiện đề xuất chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Nhiều lợi ích thiết thực

Theo đánh giá của ngành chức năng, Chương trình OCOP của tỉnh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia, góp phần phát triển SP đặc trưng và kinh tế- xã hội của địa phương.

Theo đó, thời gian qua, tại nhiều địa phương trong tỉnh, các chủ thể đã đẩy mạnh việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng SP.

Là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh có 2 SP đủ điều kiện đề xuất 5 sao (sầu riêng Ri 6 và sầu riêng sấy thăng hoa), anh Nguyễn Minh Hậu- đại diện Công ty TNHH Sáu Ri (huyện Long Hồ) chia sẻ: Nhờ đạt được chứng nhận SP OCOP 4 sao mà uy tín chất lượng của SP được nâng lên, người tiêu dùng đón nhận tích cực. Doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước từ 10- 15%. Được đề xuất SP OCOP 5 sao là niềm vinh hạnh và là động lực để công ty không ngừng phấn đấu vươn lên ngày càng lớn mạnh với các mục tiêu là mở rộng vùng nguyên liệu tại tỉnh nhà và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có tiềm năng như: Trung Quốc, Nhật, khối liên minh châu Âu...

Có SP cơm sấy đạt chứng nhận 4 sao, ông Vũ Văn Năng- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất thực phẩm Nhật Quỳnh (huyện Tam Bình) cũng cho biết: “Khi SP đạt chứng nhận, doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội quảng bá SP thông qua các hội chợ thương mại, hội nghị xúc tiến trong và ngoài tỉnh, từ đó mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh. Những thuận lợi này là động lực để công ty từng bước nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã SP”.

Ông Nguyễn Quốc Phong- Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết: Chương trình Mỗi xã một SP của tỉnh được triển khai từ năm 2018. Đến nay chương trình mang lại hiệu quả khả quan. Đây là chương trình được các địa phương xác định là một trong những giải pháp để tăng giá trị nông sản địa phương, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cần tiếp tục đổi mới, tăng cường tuyên truyền

Tuy đạt được một số kết quả bước đầu, song, theo Sở Nông nghiệp - PTNT, việc triển khai thực hiện chương trình OCOP trong thời gian qua vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể như, ở một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định chủ thể thuộc lĩnh vực xét OCOP. Đa số các chủ thể tham gia Chương trình có quy mô, năng lực quản trị còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển SP theo chuỗi giá trị. Việc xây dựng, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường chưa được các chủ thể sản xuất quan tâm. Các chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện hồ sơ mà chưa quan tâm cải thiện chất lượng SP. Vì vậy, khả năng cạnh tranh của SP OCOP trên thị trường còn yếu.…

Anh Lâm Hoàng Chí- Chủ cơ sở Thiên An 3 (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho hay: Với SP thanh long vỏ vàng, ruột trắng vừa đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022, cơ sở cũng gặp không ít khó khăn trong việc quảng bá hình ảnh, tiêu thụ SP do SP còn mới, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn giá thành cũng cao hơn SP cùng loại.

Để chương trình OCOP tiếp tục được đẩy mạnh phát triển, ông Nguyễn Quốc Phong cho hay: Thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nâng cao số lượng cũng như giá trị SP nông nghiệp thông qua chứng nhận OCOP. Dự kiến đến năm 2050 sẽ chứng nhận 150 SP OCOP, trong đó chú trọng hỗ trợ các ngành hàng liên quan đến các SP chế biến từ ngành nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làng nghề, sinh vật cảnh…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt đánh giá: Chương trình OCOP đã phát huy được nhiều SP lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao, đồng thời thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn.

Theo ông Nguyễn Văn Liệt, thời gian tới, đối với các SP đã được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh, các chủ thể cần tiếp tục tìm hiểu, đổi mới nâng cao chất lượng, mẫu mã SP để phát huy được giá trị của SP OCOP tỉnh Vĩnh Long. Bên cạnh đó, tiếp tục lựa chọn các SP có tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đăng ký tham gia chương trình OCOP. Ngoài ra, phải chú trọng phát triển một cách thực chất hơn các hợp tác xã, doanh nghiệp, làng nghề phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị SP OCOP; tăng cường quản lý giám sát SP OCOP.

“Song song đó, các đơn vị liên quan cần hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng các điểm giới thiệu và bày bán SP OCOP, nhất là tại các điểm du lịch. Từ đó, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển SP OCOP của tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố phân công ngành chuyên môn theo dõi, hỗ trợ các chủ thể OCOP, đặc biệt tuyên truyền về lợi ích của việc phát triển SP để các chủ thể hiểu được phát triển SP OCOP thực chất là phát triển kinh tế nông thôn, là hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ tại chỗ. Chú trọng xây dựng các mô hình OCOP kết hợp du lịch nông thôn, chú trọng công tác kiểm tra giám sát chất lượng SP sau khi được công nhận” - ông Nguyễn Văn Liệt đề nghị.

 

Tác giả bài viết: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202302/thuc-day-phat-trien-san-pham-ocop-3158185/#.Y_yAN3ZByUk

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây