Cung có, cầu có, nhưng cung cầu chưa gặp được với nhau; số lượng và chất lượng chưa ổn định, tem nhãn, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, logistics… đang là những rào cản cần tháo gỡ để có thể thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản Nam bộ vào thị trường Hà Nội nói riêng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường nói chung.
Sáng ngày 27/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Diễn đàn “Kết nối Tiêu thụ Nông sản Nam Bộ tại Hà Nội”.
Sức cạnh tranh còn thấp
Là một trong những vựa trái cây, thủy sản tại Nam Bộ, Vĩnh Long được biết đến là một trong những tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có một số loại quả có quy mô lớn nhất vùng và cả nước như: cam, bưởi, nhãn… Diện tích cây ăn quả sản xuất theo hướng an toàn và GAP, VietGAP, GlobalGAP đã được nhà vườn quan tâm.
Thương hiệu cam sành nổi tiếng ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long) được khách hàng trong nước rất ưa chuộng. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đang trồng nhiều loại xoài có giá trị kinh tế cao như: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, xoài Đài Loan…
Dù rất nhiều tiềm năng trong sản xuất, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long - cho biết, sức cạnh tranh một số sản phẩm còn ở mức thấp, thị trường tiêu thụ chưa nhiều và không ổn định, chưa hình thành được liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, năng lực và tài chính còn hạn chế. Ứng dụng công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là ứng dụng công nghệ cao. Khoai lang là một ví dụ, mới chủ yếu làm thủ công, chưa áp dụng khoa học vào sản xuất nên giá trị chưa cao.
“Chúng tôi đã có gắn kết với thị trường Hà Nội nhiều, tuy nhiên, chúng tôi có nhận được sự phản ánh từ đại diện một siêu thị Hà Nội về việc các doanh nghiệp tại tỉnh đưa hàng ra chuyến đầu thì tốt nhưng những chuyến sau thì chưa đạt. Điều này đặt ra những yêu cầu làm thế nào để liên kết giữa doanh nghiệp, HTX của Vĩnh Long với chuỗi phân phối hiện đại thực sự hiệu quả” - ông Nguyễn Văn Liêm nói.
Đồng quan điểm về vấn đề này, đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Big Green Việt Nam và Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco đều cho biết, các doanh nghiệp vướng ở sản lượng của một số doanh nghiệp, HTX tại Nam bộ chưa đều, giá thành cao, chất lượng không đồng đều khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản dù hợp đồng đã được ký kết.
Khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng với địa hình sinh thái đa dạng, đã phù hợp để hình thành vùng trồng cây ăn quả như thanh long, chuối, dứa, xoài… tại các tỉnh phía Nam. Năm 2018, diện tích trồng chuối tại khu vực này là 78,4 nghìn ha, bằng 54,1% diện tích cả nước; diện tích trồng cam đạt 97,66 nghìn ha; diện tích trồng bưởi đạt 85,2 nghìn ha. Miền Nam cũng là vùng trồng xoài trọng điểm của cả nước, chiếm 81% diện tích và 92% sản lượng… Mặc dù rất có tiềm năng về trái cây, thủy sản, nhưng theo ông Nguyễn Tử Hải - Phó trưởng phòng Cây công nghiệp - cây ăn quả (Cục Trồng trọt), hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp, thiếu vắng các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, xuất khẩu, chuỗi giá trị trái cây còn nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái, chưa hợp lý về phân chia lợi nhuận, giá thành nhiều loại trái cây cao, làm giảm sức cạnh tranh…
Cần phải đặt uy tín lên hàng đầu
Chia sẻ câu chuyện thực tế về việc kết nối đưa sản phẩm nông sản Nam bộ đến với thị trường Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ nông sản thực phẩm các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu của hơn 10 triệu dân sinh sống. Xu hướng tiêu dùng đối với nông sản, trái cây nói chung của người tiêu dùng Thủ đô là chuộng nông sản, trái cây trong nước sản xuất với chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Riêng với nông sản Nam bộ, thị trường Hà Nội đã và đang tiêu thụ lượng lớn nông sản, trái cây từ tỉnh này do khả năng tự cung ứng của Hà Nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Cụ thể, trái cây mới đáp ứng 35% nhu cầu, thủy sản là 5%. Hà Nội có nhu cầu rất lớn các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Nam bộ như: gạo chất lượng cao, thủy sản, cam xoàn, xoài cát Hòa Lộc, quýt hồng Lai Vung, bưởi da xanh Năm Roi… Tuy nhiên, bà Trần Thị Phương Lan cũng thừa nhận thực tế, việc khai thác tiêu thụ nông sản, trái cây Nam bộ tại thị trường Hà Nội hiện nay qua các kênh siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, trong đó kênh thương lái vẫn chiếm tỷ trọng lớn nên chưa quảng bá tốt được thương hiệu, sản phẩm vùng miền.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ vẫn chủ yếu đặt hàng qua điện thoại, vấn đề truy xuất nguồn gốc vẫn chưa được bà con chú trọng. Logistics quá kém khiến tăng chi phí sản phẩm. “Tiền chi phí vận chuyển lớn khiến giá thành sản phẩm cao, siêu thị không nhập được hàng, sản phẩm bán với giá cao thì người tiêu dùng cũng không mua”, bà Lan nhấn mạnh.
Khẳng định cơ hội thị trường là rất lớn, khi Hà Nội có 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, trên 1.000 cửa hàng tiện ích, 798 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được cấp biển nhận diện. Hà Nội còn là nơi phát nguồn đi các tỉnh, thành phố chứ không chỉ tiêu thụ tại thị trường Thủ đô. Để có thể khai thác được hết tiềm năng thế mạnh, bà Lan cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ thì bản thân các nhà vườn Nam bộ phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đồng thời đa dạng hình thức xúc tiến thương mại. Cần phải đặt uy tín lên hàng đầu, duy trì cung ứng sản phẩm chất lượng, quan tâm đến công tác truyền thông, tránh cung ứng sản phẩm chất lượng kém trà trộn làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm. Sản phẩm phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí để có thể đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại một cách bền vững. Bao bì phải thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cần nhấn mạnh đến sự khác biệt để người tiêu dùng có thể biết đến và lựa chọn. “Bưởi, cam ở đâu cũng có, nhưng cam Nam bộ sẽ có vị khác cam miền Bắc. Do đó, cần tuyên truyền, công bố hàm lượng chất lượng để người tiêu dùng có đa kênh để lựa chọn", bà Lan cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) - nhấn mạnh, mỗi sản phẩm nông sản địa phương đều có những đặc trưng riêng. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thẳn nhìn nhận, các “mắt xích” trong khâu kết nối này vẫn chưa chặt ch”. Do đó, hiệu quả việc tiêu thụ sản phẩm chưa cao. Trong khi đó, thị trường là sự kết nối tự nhiên.
Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh cải thiện mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thì việc đẩy mạnh hoạt động kết nối, đã dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại, quảng bá tới kênh phân phối, phân chia lợi nhuận trong toàn chuỗi là vấn đề cần được đặc biệt chú trọng. "Nhà nước không làm thay được vấn đề thị trường, vai trò doanh nghiệp vẫn là then chốt" - ông Toản nhấn mạnh.