9 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu hơn 105,7 nghìn tấn thịt gà, trị giá hơn 96,5 triệu USD.
Thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), từ năm 2016 đến nay, Việt Nam nhập khẩu lượng thịt gà khá lớn từ các thị trường.
Năm 2016 nhập hơn 122 nghìn tấn (trị giá hơn 87,8 triệu USD). Năm 2017 nhập hơn 85,8 nghìn tấn (hơn 80,2 triệu USD). Đặc biệt, năm 2018 là hơn 128 nghìn tấn (hơn 116,3 triệu USD). Riêng 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu hơn 105,7 nghìn tấn thịt gà, tương ứng giá trị hơn 96,5 triệu USD.
Đáng chú ý, trong tổng số hơn 105,7 nghìn tấn nhập khẩu 9 tháng qua, có 60% là thịt đùi, tương đương là 63.479 tấn; gà nguyên con (gà loại của Hàn Quốc) 13,3%, tương đương 14.071 tấn; Còn lại là các sản phẩm cánh, chân, mề, gan, da, xương, sụn, phao câu...
Thịt gà đùi được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao nhất tại thị trường Việt Nam so với các sản phẩm khác. Việt Nam nhập khẩu gà từ Mỹ, Hàn Quốc…
Cục Chăn nuôi cho biết, giá bình quân cho các sản phẩm là 0,913 USD/kg, tương đương với các năm trước (dao động từ 0,85-1USD/kg).
Tại thị trường trong nước, đùi gà góc phần tư nhập khẩu được rao bán với mức giá rất rẻ, dưới 40.000 đồng/kg. Nhiều nhà cung cấp cho biết có khả năng cung cấp số lượng lớn lên đến hàng tấn gà và thời hạn sử dụng của các sản phẩm này là 12 tháng ở -18 độ C trong tủ đông.
Dự kiến, cả năm 2019, sản lượng thịt gà nhập khẩu khoảng 150 nghìn tấn, tăng mạnh so với những năm trước.
Ghi nhận cho thấy, giá thịt gà tại nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu được cho là người dân đổ xô đi nuôi gà khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhằm tranh thủ thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ không tăng cao đột biến. Gà nhập khẩu tăng cũng là một trong những lý do ảnh hưởng tới giá gà trong nước, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều.