Vinmart bứt tốc
Vingroup với mong muốn khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên sân nhà nên có lẽ đã sử dụng chiến lược bành trướng không khoan nhượng. Với tiềm lực tài chính khổng lồ, tập đoàn này đã sáp nhập hàng loạt thương hiệu trong và ngoài nước như mua lại chuỗi siêu thị Ocean Mart, thâu tóm 39 của hàng Vinatexmart trên 19 tỉnh thành của Công ty Thương mại và Thời trang Việt Nam, mua lại chuỗi 23 siêu thị Fivimart, và gần đây nhất là tiếp nhận chuỗi 87 cửa hàng Shop & Go chỉ với... 1USD.
Tính tới tháng 9.2019, Vingroup đang dẫn đầu về số lượng cửa hàng với hơn 100 siêu thị và khoảng 2.346 cửa hàng tiện lợi, tiếp theo là Bách Hóa Xanh và Saigon Co.op với khoảng 500 cửa hàng và 460 cửa hàng. “Dự kiến tới năm 2025, hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước”, bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty VinCommerce, dự báo.
Trước sự vượt mặt của chính các tân binh nội địa, anh cả Saigon Co.op cũng bắt đầu thay đổi chiến thuật tương tự để khẳng định thương hiệu bằng việc mua lại chuỗi bán lẻ Auchan của Pháp. Tiếp đó, Saigon Co.op cũng mở rộng các định dạng bán hàng mới cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
“Siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi rất linh hoạt, cho phép chúng tôi có thể phủ nhanh mạng lưới. Đặc biệt là các thị trường trước đây ở khu vực phía Bắc mà chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở các mô hình lớn như đại siêu thị hay siêu thị”, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết.
Năm 2012, Saigon Co.op là quán quân chiếm gần tuyệt đối thị phần siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, thì hiện nay, những công ty mới tham gia như Vingroup đã tăng thị phần lên 27%, khiến thị phần Saigon Co.op giảm xuống còn 47%. Ngoài VinMart, nhiều đối thủ khác cũng đang trỗi dậy. Chẳng hạn, tháng 8 vừa qua là tháng mở rộng mạnh nhất từ trước đến nay của Bách Hóa Xanh. Chuỗi này hiện có 322 cửa hàng tại 15 tỉnh khu vực miền Nam ngoài TP.HCM (chiếm 44% tổng số cửa hàng Bách Hóa Xanh). Mỗi ngày mở 2 cửa hàng, ngang ngửa thời kỳ bùng nổ của chuỗi Thegioididong.com.
Còn bao nhiêu “room”?
Theo báo cáo Q&Me, doanh thu bán lẻ tại thị trường Việt Nam đạt 142 tỉ USD năm 2018, mức cao nhất từng được ghi nhận và dự kiến sẽ đạt 180 tỉ USD vào năm 2020. Mức tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 13%. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố tăng trưởng mạnh nhất về các kênh bán hàng hiện đại. Chỉ riêng TP.HCM và Hà Nội đã chiếm 1/3 tổng doanh thu (TP.HCM là 22% gấp đôi so với Hà Nội là 11%). “Với tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ luôn cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước và tỉ trọng lớn trên tổng GDP, thì đầu tư vào bán lẻ chính là đầu tư vào tương lai nền kinh tế tại Việt Nam”, báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS nhận định.
Theo đánh giá của McKinsey, lĩnh vực bán lẻ hiện đại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong 5 năm tới, đặc biệt với các cửa hàng “không-tốn-một-mét-vuông” như thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 25,8% trong giai đoạn 2018-2023, cao hơn gấp đôi so với bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực.
Dù còn nhiều “room” là vậy, song sự đào thải khốc liệt trên thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua đã khiến không ít doanh nghiệp cả nội và ngoại buộc phải rời bỏ thị trường. Sự rút lui hàng loạt của các tập đoàn kinh doanh siêu thị châu Âu trên thị trường Việt Nam trong hơn 5 năm qua như Casino Group của Pháp, Metro Group của Đức, gần đây Auchan là minh chứng rõ nét nhất.