Trong bối cảnh hội nhập và hiệu ứng lan tỏa của cuộc cách mạng 4.0 thì thanh toán điện tử hay thanh toán không dùng tiền mặt đang có một bước phát triển vượt bậc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, thanh toán di động cùng với công nghệ đang mở ra cuộc cách mạng mạnh mẽ nhất mang tới khả năng tiếp cận nhanh chóng, giá rẻ và nhiều tiện ích cho khách hàng, góp phần đáng kể trong việc thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân và toàn xã hội.
Thị trường tiềm năng
Dân cư vùng nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dân số ở nước ta (chiếm gần 70%), đây là một phân khúc thị trường đầy tiềm năng của thanh toán di động. Theo thống kê có tới 60% dân số ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng và gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính do địa bàn rộng, đòi hỏi đầu tư lớn (hiện số lượng điểm giao dịch ngân hàng thương mại bình quân chỉ có 2,2 điểm/khu vực hành chính nông thôn, ở khu vực vùng sâu, vùng xa chỉ có khoảng 0,002 điểm/km2). Khoảng 89% người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa sở hữu một chiếc điện thoại di động, trong đó 68% sử dụng điện thoại thông minh và có truy cập Internet.
Ngoài ra, thu nhập và đời sống nhân dân ở khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, nhu cầu về các dịch vụ tài chính tăng, cởi mở hơn với các phương thức thanh toán mới. Theo đó, điện thoại thông minh sẽ là công cụ hỗ trợ tích cực người dùng tiếp cận các giải pháp thanh toán tài chính. Số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ 25-30%/năm với tổng giá trị giao dịch năm 2018 đạt 8 tỉ USD. Tỷ lệ sử dụng ứng dụng điện thoại để mua sắm trên các trang thương mại điện tử đã tăng từ 40% trong năm 2016 lên 72% trong năm 2018.
Hơn nữa, Việt Nam là một trong 25 quốc gia mà World Bank ưu tiên trong nỗ lực giúp người dân tiếp cận hệ thống tài chính chính thức, bao gồm các dịch vụ thanh toán; cùng với các chương trình phổ cập tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)... sẽ góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán tài chính nói chung và thanh toán qua di động ở khu vực nông thôn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2017-2018, ngoài các phương thức thanh toán truyền thống, thị trường thanh toán Việt Nam bùng nổ 2 hình thức thanh toán qua ví điện tử và mobile banking (phát triển từ e-banking), đồng thời xuất hiện thêm hai giải pháp thanh toán mới là thanh toán phi tiếp xúc qua kết nối NFC trên các máy điện thoại thông minh (tiêu biểu là Samsung Pay) và thanh toán bằng mã phản hồi nhanh (QR Code) nhằm đáp ứng nhu cầu về sự tiện lợi nhưng đòi hỏi tính an toàn, bảo mật cao của khách hàng.
Việt Nam hiện có 26 đơn vị trung gian thanh toán được Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ ví điện tử cho khách hàng và có 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Tính đến ngày 31-12-2018, có 4,24 triệu ví có sự liên kết với tài khoản ngân hàng trên tổng số gần 9 triệu ví đăng ký. Theo thống kê của Vụ Thanh toán (NHNN), đến nay, tại Việt Nam, có 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, các ngân hàng lớn đều đã tích hợp giải pháp thanh toán qua mã QR trên ứng dụng di động Mobile Banking. Hiện có 15 ngân hàng thương mại tích hợp, liên kết giải pháp này với 3 tổ chức thẻ Napas, Visa và MasterCard...
Tận dụng cơ hội
Xét về nhu cầu và cơ sở hạ tầng thì việc phát triển thanh toán di động tại Việt Nam đã đủ điều kiện, cơ hội để phát triển các sản phẩm thanh toán di động hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển của thanh toán di động tính tới thời điểm hiện tại chưa thật sự phổ biến do xuất phát từ thói quen tiêu dùng, tâm lý người dân hiện còn sợ thanh toán điện tử bị mất tiền, mất phí. Ngoài ra, lĩnh vực thanh toán di động cũng đang đối mặt với những khó khăn trong vấn đề quản lý, đảm bảo an toàn trong giao dịch và bảo mật thông tin. Có tới hơn 50% người dùng lo ngại về các vấn đề an ninh khi thực hiện các giao dịch điện tử thay vì sử dụng tiền mặt.
Để thanh toán không dùng tiền mặt trở thành một phương thức thanh toán chính yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cần có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn. Trước hết phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích, người dân có hiểu biết đầy đủ hơn thì họ sẽ sử dụng thử, cảm nhận an toàn, thuận tiện và tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng. Những nhà đầu tư tham gia vào thị trường cần tiếp tục cải tiến sáng tạo về công nghệ phù hợp với đặc điểm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thiết lập một mạng lưới các cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng ví tiền điện tử, kể cả trực tuyến hay bên ngoài. Ở các cửa hàng, nên có những biểu tượng chấp nhận thanh toán để khách hàng có thể nhận thấy ngay và có kèm theo những ưu đãi hay chiết khấu hấp dẫn…
Cần có sự hợp tác chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật của một hệ sinh thái mở rộng gồm các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán, các công ty Fintech và các điểm bán lẻ nhằm mang lại sự linh hoạt, dễ dàng và nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo an toàn trong thanh toán. Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong thanh toán di động; cần phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán, trên cơ sở đó, kiểm soát rủi ro pháp lý thích hợp.
Giải pháp dịch vụ thanh toán di động đã và đang giúp xóa rào cản về khoảng cách không gian, thời gian và địa lý ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, từ đó cho phép các ngân hàng, các công ty trung gian tài chính, công ty Fintech và các doanh nghiệp có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn. Tin rằng với những giải pháp phù hợp mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức 10% vào năm 2020 và 8% đến cuối năm 2025 của Chính phủ sẽ thành hiện thực.