Việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc với các nông sản nhập khẩu từ Việt Nam đã đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy xuất khẩu.
Điều kiện để xuất khẩu thành công
Hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc đòi hỏi phải minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm trở thành yêu cầu bắt buộc. Gần đây, các cơ quan chức năng Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng bắt đầu siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc với các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này, đang đặt ra bài toán cho Việt Nam là làm thế nào để không chỉ giữ vững mà còn tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) khẳng định, vấn đề truy xuất nguồn gốc đang được xã hội, doanh nghiệp (DN) rất quan tâm. Thực tế, các sản phẩm hàng hóa của nước ta đang gặp phải rào cản của các nước, không chỉ Trung Quốc, mà còn Hoa Kỳ, châu Âu, đặt ra các yêu cầu kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm xuất khẩu sang thị trường đó.
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Trước thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, hiện nay, Bộ KH&CN đang tích cực phối hợp với 63 tỉnh, thành phố và 8 bộ, ngành chuyên ngành để xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai với mục tiêu hỗ trợ các DN sẵn sàng ứng dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc, cũng như vượt qua rào cản của các nước trên thế giới.
"Riêng đối với Trung Quốc, khi có yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với nông sản, Bộ KH&CN đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng làm việc ngay với phía Trung Quốc để tìm cách thức tháo gỡ" - ông Nguyễn Hoàng Linh nói và cho biết, tổng cục đã tổ chức triển khai, làm việc với tập đoàn kiểm nghiệm chứng nhận lớn nhất của Trung Quốc là Tập đoàn CCIC và ký kết thỏa thuận thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc đối với 8 loại nông sản của Việt Nam như: Nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu… Đây là hoạt động thiết thực giúp nông sản Việt Nam vượt qua rào cản này.
Bên cạnh đó, tổng cục cũng đang phối hợp chặt chẽ với một số đơn vị nâng cao năng lực cho toàn bộ chuỗi sản xuất, trồng trọt chế biến kinh doanh xoài, để không chỉ đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc mà kể cả các thị trường như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, qua đó, giúp ngành xoài của Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường này.
Bộ cũng đang chỉ đạo hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về truy xuất nguồn gốc, như xây dựng các thông tư về hướng dẫn việc triển khai truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ KH&CN đang xây dựng cổng thông tin về truy xuất nguồn gốc quốc gia, xây dựng các mô hình thí điểm về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm xuất khẩu chủ lực; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong việc truy xuất nguồn gốc; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các nước trên thế giới để thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc.