Hàng ngàn ha mía tại Hậu Giang quá lứa thu hoạch, có nguy cơ chết khô nhưng nông dân chưa bán được, dù giá rất thấp.
Niên vụ 2019 - 2020, nông dân tỉnh Hậu Giang xuống giống 8.200 ha mía, trong đó huyện Phung Hiệp chiếm 6.700 ha. Đây là vùng mía nguyên liệu lớn nhất miền Tây, đang vào mùa thu hoạch nhưng tiến độ rất ì ạch.
Ông Lý Út Nhiều (60 tuổi) ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp nói, 3 công mía của gia đình quá kỳ thu hoạch hơn một tháng, bị ngập úng do các đợt triều cường liên tiếp vừa qua, đang bắt đầu xuống lá, sắp chết.
Vì nằm ở vùng không được nhà máy đường bao tiêu nên ông Nhiều cùng những người khác ở địa phương chỉ bán cho thương lái bên ngoài, nhưng họ mua rất ít vì không có nhân công thu hoạch, dù giá thuê cao.
"Tình thế bắt buộc, tôi phải kêu bán lỗ cho các đầu nậu từ nơi khác tới thu mua với giá 400.000 đồng mỗi tấn. Họ tự tìm người thu hoạch rồi chở lên TP.HCM, Bình Dương bán cho người ta xay nước mía", ông Nhiều nói.
Cùng cảnh khó, bà Lý Thị Hiền (68 tuổi) ở xã Long Thạnh phản ánh liên tiếp ba năm qua, người dân trồng mía thua lỗ nặng vì giá bán rất thấp. "Tôi vừa bán được hai công (2.000 m2) mía được 20 tấn cho thương lái với giá 400.000 đồng mỗi tấn. Sau khi trừ chi phí, tôi lỗ 6 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc bỏ ra gần 11 tháng trời", bà Hiền nói và cho biết vụ tới phải bỏ đất trống vì không biết trồng cây gì khác do vùng đất trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng.
Trong khi đó, các địa phương khác trong huyện Phụng Hiệp dù được nhà máy đường bao tiêu và mía đã chín tới nhưng vẫn khó bán. Nông dân nơi đây đang rất lo lắng vì cánh đồng mía hàng trăm ha đã quá lứa, trổ cờ; lá và đọt bắt đầu khô dần, nhưng vẫn chưa thu hoạch được vì nhà máy đường tiêu thụ chậm...
Tỉnh Hậu Giang trước đây có ba nhà máy đường hoạt động, thu mua hết mía cho người dân với tổng công suất khoảng 9.000 tấn mỗi ngày. Nhưng hiện chỉ còn nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ) có sức tiêu thụ khoảng 3.000 tấn mỗi ngày, lại vào vụ trễ gần một tháng so với hàng năm.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết đến nay, toàn huyện mới thu hoạch được 1.700 ha mía. Trong đó, 1.300 ha được bà con bán để ép nước mía, còn lại 450 ha bán cho nhà máy đường.
Do chỉ có một nhà máy hoạt động nên sức tiêu thụ rất chậm. Các năm trước đến thời điểm này hơn 50% diện tích mía tại địa phương đã được thu hoạch (bình quân mỗi ngày 50 - 60 ha), nhưng nay chưa tới 30%.
"Hiện có khoảng 2.100 ha mía quá lứa, chữ đường cao, ngập nước đang cần gấp rút thu hoạch. Nếu không, khoảng 2 - 3 tuần nữa mía sẽ xuống lá, khô héo rồi chết dần, nông dân thiệt hại lớn", ông Tuấn nói.
Giá mía thu mua hiện nay của nhà máy đường là 700.000 đồng mỗi tấn. Trong khi đó chi phí sản xuất của nông dân đã 700.000 đồng mỗi tấn mía, chưa kể tiền thuê nhân công thu hoạch khá cao, từ 220.000 đến 250.000 đồng mỗi tấn.
"Sau khi trừ chi phí, nông dân thua lỗ nặng. Vì thế, chúng tôi đang có kế hoạch tiếp tục khuyến cáo và hỗ trợ người dân chuyển diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác như rau màu, cây ăn quả...", ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ cho rằng lý do đóng cửa một nhà máy ở thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) là do diện tích vùng nguyên liệu tại địa phương giảm khoảng 2.000 ha so với vụ trước, các địa phương lân cận như Sóc Trăng, Kiên Giang đều giảm diện tích mía.
Còn một nhà máy đường tại huyện Long Mỹ của một đơn vị khác đang bị đình chỉ hoạt động 4 tháng (từ ngày 23/7) theo quyết định của UBND tỉnh Hậu Giang vì gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Mía đường Cần Thơ thì cho biết, liên tiếp 3 năm qua, giá mía tại miền Tây thấp, không đảm bảo được đời sống cho nông dân.
"Do đường nhập lậu, gian lận thương mại... khiến giá đường trong nước thấp, từ đó không ổn định được giá mía", ông Hiếu nói và cho hay khi thị trường đường có chuyển biến giá tốt thì công ty sẽ lập tức xem xét, chia sẻ bằng cách nâng giá mua mía với người dân.
Về diện tích hơn 2.000 ha mía ùn ứ, cần gấp rút thu hoạch, ông Hiếu nói đã có phương án đưa nhà máy đường Sóc Trăng (do nhóm cổ đông của ông đại diện chiếm tỷ lệ chi phối) vào hoạt động sớm, tiêu thụ 2.400 tấn mỗi ngày cho nông dân Phụng Hiệp.