Ngành trái cây Việt Nam chinh phục hàng loạt thị trường khó tính

Thứ năm - 26/12/2019 22:20
Vải thiều Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào Nhật Bản là cú chốt đánh dấu một năm ngành trái cây nỗ lực chinh phục hàng loạt thị trường khó tính bậc nhất thế giới.
Ngành trái cây Việt Nam chinh phục hàng loạt thị trường khó tính

Thị trường khó tính đồng loạt cấp “visa” cho trái cây Việt


Năm 2019, vải thiều Bắc Giang bị mất mùa, sản lượng giảm gần một nửa so với năm 2018. Thế nhưng, nhờ làm tốt khâu thị trường, xuất khẩu sang cả các thị trường khó tính mà nông dân Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn có một mùa bội thu. Theo đó, kết thúc vụ vải, người dân nơi đây thu 6.300 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm trước đó.

Những ngày cuối năm, người trồng vải thiều khắp cả nước nói chung và Lục Ngạn nói riêng đón thêm một tin vui mới: Vải thiều Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào Nhật Bản. Sau Mỹ, EU, Úc, Canada,... quả vải thiều Việt Nam tiếp tục khẳng định được uy tín cũng như chất lượng ở một thị trường khó tính bậc nhất thế giới là Nhật Bản, tạo thêm cơ hội xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng vải.

Đây là kết quả sau hơn 5 năm nỗ lực đàm phán giữa Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và MAFF, cùng nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các đối tượng kiểm dịch thực vật của Nhật Bản có khả năng đi theo quả vải thiều của Việt Nam.
 
1cedd3a43de4d4ba8df5
Vải thiều Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào Nhật Bản sau 5 năm đàm phán

Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) - cho biết, mặc dù quả vải thiều Việt Nam đã vào được nhiều thị trường khó tính,... nhưng nếu thị trường Mỹ, Úc chỉ đòi hỏi chiếu xạ thì Nhật Bản lại yêu cầu xử lý bằng khử trùng xông hơi.

Thành công này không chỉ riêng với quả vải, mà là tiền đề để những trái cây khác có thể xuất khẩu được vào Nhật Bản, thậm chí cả Hàn Quốc. Bởi hai nước này chỉ chấp nhận khử trùng xông hơi chứ không chấp nhận chiếu xạ, ông Hà cho hay.

Nhìn lại năm 2019, dù gặp nhiều khó khăn, song đây cũng là một năm nỗ lực khi trái cây Việt Nam thâm nhập được vào hàng loạt các thị trường khó tính trên thế giới.

Đơn cử, giữa tháng 2 năm nay, xoài Việt Nam chính thức được cấp “visa” vào Mỹ sau hành trình 10 năm nỗ lực đàm phán, sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long. Mỹ cũng trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của quả xoài Việt.

Tương tự, sau một thời gian dài đàm phán, cuối tháng 8 năm nay, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc đã cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam được chính thức xuất khẩu vào nước này. Nhãn là trái cây thứ 4 được phép xuất vào thị trường Úc sau khi vượt qua nhiều quy chuẩn kiểm tra chất lượng. Cùng thời điểm này, Chile cũng cho phép xoài Việt Nam được xuất khẩu vào Chile.

Trước đó, măng cụt cũng là loại trái cây thứ 9 của nước ta được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc.


Khẳng định chất lượng trái cây Việt Nam


Theo ông Lê Sơn Hà, việc những loại trái cây chủ lực của Việt Nam mở được cánh cửa các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, EU, New Zealand,... có ý nghĩa rất lớn, ngoài việc khẳng được uy tín của quả tươi Việt Nam còn giúp nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo tiền đề thúc đẩy sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Hiện lượng trái cây xuất sang thị trường khó tính chiếm khoảng hơn 30%, trong đó có những thị trường tăng trưởng rất tốt như: Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Canada,...
 
73a059a365e38cbdd5f2
Việt Nam có tiềm năng lớn về các loại trái cây xuất khẩu khi thị trường ngày càng mở rộng

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 11 tháng năm 2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm nhẹ về số lượng nhưng lại chuyển biến lớn về chất tạo ra hướng đi bền vừng cho hoa quả Việt Nam

Cụ thể, dù xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm 13,7%, nhưng đổi lại giá trị xuất khẩu sang các thị trường khó tính lại tăng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu rau quả sang Mỹ đạt 124,6 triệu USD, tăng 10,7%; Hàn Quốc đạt 107,4 triệu USD, tăng 12,3%; Nhật Bản đạt 100,7 triệu USD, tăng 12,6%,... so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, một số thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh như Lào (gấp 5,17 lần), Hồng Kông (gấp 3,12 lần), Đài Loan (tăng 66,6%), Hà Lan 36,6%.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây