Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản Đồng bằng sông Cửu Long là chủ đề của buổi toạ đàm do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, diễn ra chiều 21/10, tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại buổi tọa đàm các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh... Đồng thời, thảo luận các giải pháp nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh bán hàng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các chuyên gia cho rằng, để nâng giá trị gia tăng, các DN cần phải đầu tư, ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại vào sản xuất. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu, làm tốt hơn mẫu mã, bao bì và chủ động phát triển sản phẩm mới… Qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được lòng tin đối với khách hàng.
Chia sẻ về việc các dòng sản phẩm của công ty khi đưa ra thị trường đều được khách hàng tin dùng, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food dẫn chứng, đối với dòng sản phẩm cháo tươi ăn liền, từ lúc tung sản phẩm ra thị trường đến nay, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh về giá thành… Sài Gòn Food đã nghiên cứu, thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm rất nhiều lần. Những nỗ lực này đã giúp Sài Gòn Food thành công trong việc chiếm lĩnh thị phần và tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Các sản phẩm của công ty đang tập trung phân phối vào kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi và xuất khẩu.
Tuy nhiên, bà Lâm cho rằng, việc khó nhất của doanh nghiệp khi đưa một sản phẩm mới ra thị trường phải nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, để sản phẩm sống được và phát triển thì DN phải chăm sóc và cải tiến không ngừng để làm sao người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng...
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Các Thủy - đại diện Công ty TNHH Tây Cát - cho rằng, để nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nông sản, các DN, cơ sở sản xuất cần đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ, tổ chức nghiên cứu từ nguyên liệu đầu vào… từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết tình trạng chất lượng sản phẩm bấp bênh, mang lại lợi ích to lớn cho nông dân và cả nền kinh tế là phải xây dựng chuỗi giá trị nông sản hiện đại, có liên kết dọc chặt chẽ giữa các tác nhân từ giai đoạn sản xuất đến giai đoạn phân phối, tiêu dùng dựa trên cơ sở sản xuất theo hợp đồng, áp dụng chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quy trình kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Về góc độ địa phương, bà Võ Phương Thuỷ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - cho biết, thời gian qua, để nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nông sản, Đồng Tháp đã có cách làm mới. Thay vì trước khi người nông dân, hoặc doanh nghiệp (DN) cơ sở sản xuất ra một sản phẩm, Sở làm sẽ làm câu chuyện giúp cho người nông dân, DN tìm thị trường, thì hiện nay Sở làm theo chiều hướng ngược lại khi phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp tìm một nhà phân phối hoặc một DN lớn nào đó để dẫn dắt chuỗi. Nghĩa là mời DN về thông tin cho hộ nông dân, cơ sở sản xuất những tiêu chuẩn sản phẩm, kể cả việc thiết kế đóng gói, bao bì nhãn mác như thế nào để đưa ra thị trường được.
Bên cạnh đó, Sở thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường cho hộ nông dân sản xuất, DN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nắm rõ để có định hướng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. “Ngoài ra, chúng tôi làm theo kiểu mời đối tác về để thông tin, định hướng lại cho cho hộ nông dân, cơ sở sản xuất, DN làm theo nhu cầu, tiêu chuẩn để có hợp đồng bao tiêu lâu dài. Thời gian tới, Đồng Tháp mong muốn được BSA và các kênh phân phối lớn, DN đi đầu dẫn dắt nhằm giúp cho Đồng Tháp sản xuất tốt hơn” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp nhấn mạnh.
Dưới góc độ nhà bán lẻ, ông Seo Fumio - Phó Tổng giám đốc khối Thu mua của Công ty AEON Việt Nam - cho biết, phương châm kinh doanh của hệ thống AEON là an toàn, tiếp theo là yếu tố tiện lợi... Riêng đối với lĩnh vực nông đặc sản, nhất là rau củ, quả tươi thì AEON yêu cầu có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm như VietGap, Global Gap, Organic. Do đó, chỉ những cơ sở sản xuất, DN nào đạt được các tiêu chuẩn mới có cơ hội đưa sản phẩm vào siêu thị AEON.
Cũng tại buổi tọa đàm các chuyên gia nhìn nhận, vấn đề hiện nay trên thị trường toàn cầu là niềm tin của người tiêu dùng đối với cơ sở sản xuất sản xuất. Vì vậy, DN không nên chỉ dừng lại ở khâu kỹ thuật, chứng nhận, mà điều cần làm là giúp cho người tiêu dùng hiểu được nguồn gốc sản phẩm họ sử dụng, quy trình sản xuất chế biến... Đồng thời, DN cần phải quan tâm đúng mức đến khâu khảo sát, nghiên cứu thị trường tiêu dùng để giới thiệu ra những sản phẩm phù hợp thị hiếu.