Hội thảo “Liên kết - hành động vì hàng Việt”

Thứ hai - 25/11/2019 21:46
Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ, từ đó xây dựng liên kết cung - cầu với hệ thống bán lẻ để đưa sản phẩm thương hiệu Việt tới tay người tiêu dùng - Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo “Liên kết - hành động vì hàng Việt” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức mới đây.
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Thạch Thất.
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Thạch Thất.

Kết nối lỏng lẻo


Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc (T.Ư MTTQ) Việt Nam cho biết, sau 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay hàng Việt đã chiếm tỷ lệ từ 60 - 95% trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu thị, chợ truyền thống.

Tuy nhiên, dù chiếm tỷ lệ cao nhưng việc đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị vẫn chỉ là nỗ lực đơn lẻ của chính bản thân doanh nghiệp. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng: Nguyên nhân của tình trạng này là do 96% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp vừa và nhỏ dẫn đến sản xuất manh mún, sản phẩm có chất lượng không đồng đều.

Đặc biệt việc thiếu liên kết từ sản xuất đến phân phối, lưu thông tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín nên doanh nghiệp Việt Nam đang gặp không ít khó khăn trong quá trình mở rộng thị phần.

“Hiện cả nước mới chỉ có 35/63 tỉnh, thành ban hành chính sách liên kết chuỗi giá trị nông sản và xây dựng được 1.478 mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Kết quả này cho thấy sự thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ” - ông Vượng nêu ví dụ.


Cần phát triển hệ thống bán lẻ sâu rộng


Phân tích nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt thiếu mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Hiện hạ tầng bán lẻ như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, bỏ quên khu vực nông thôn.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng còn nhiều hạn chế, nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư hệ thống bán lẻ qua đó xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ hàng Việt.

Đồng tình với phân tích này, nhiều doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ có chung ý kiến: Việc phát triển hệ thống bán lẻ tới vùng sâu, vùng xa sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí bán hàng, qua đó doanh nghiệp sẽ giảm được giá bán sản phẩm, thu hút người tiêu dùng tiêu thụ hàng Việt.

Từ đó, sẽ xây dựng mối liên kết cung - cầu và trở thành các tập đoàn, công ty có đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này bên cạnh sự cố gắng của doanh nghiệp còn đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thuế, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Đỗ Văn Sinh nêu rõ: Để phát triển hạ tầng thương mại, cơ quan quản lý cần hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi cho việc phát triển các phương thức giao dịch thương mại hiện đại. Đồng thời thu hút đầu tư hoặc xã hội hóa để xây dựng một số chợ đầu mối nông sản, chợ đầu mối có tính chất phân luồng hàng hóa liên kết vùng trong cả nước.

Không gian hội nhập ngày càng mở rộng, nếu hệ thống bán lẻ không phát triển rộng khắp thì doanh nghiệp không có địa điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của mình, dẫn đến khó tồn tại phát triển, nguy cơ bị giải thể hoặc phá sản là rất lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây