Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc mở rộng hệ thống phân phối nông sản an toàn nhằm kiểm soát đồng bộ, hiệu quả hoạt động này đang được thành phố gấp rút thực hiện.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội tập trung xây dựng thêm 6 chợ đầu mối cấp vùng, nâng tổng số lên là 8 chợ đầu mối, với diện tích từ 20-30 ha/chợ.
Hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm chất lượng, có tem nhãn, bao bì... chiếm trên 90%. Chợ đầu mối không chỉ tập trung ở khu vực cận đô mà còn phát triển ở các huyện có tiềm năng về sản xuất, hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối với nội đô và các vùng phụ cận.
Hiện nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân Hà Nội khá lớn, trung bình mỗi năm khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng, 54.000 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau các loại...
Hiện nay, các loại nông sản thực phẩm tại Hà Nội được phân phối, tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối nông sản (kiểu cũ), chợ dân sinh. Số còn lại được phân phối qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích…
Hà Nội có 80% lượng nông sản phân phối, tiêu thụ qua các chợ đầu mối (kiểu cũ), chợ dân sinh... khiến việc kiểm soát an toàn thực phẩm gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chợ cũng còn gặp khó khăn trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng nên các doanh nghiệp cũng không mấy "mặn mà" với việc đầu tư phát triển hệ thống chợ nói chung, chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản an toàn nói riêng.
Ngoài hai chợ đầu mối cấp 1 đang hoạt động là chợ đầu mối nông sản Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam đang hoạt động, Hà Nội còn có hệ thống chợ cấp 2 và chợ hoạt động với tính chất chợ đầu mối như: Chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ đêm nông sản Văn Quán, chợ nông sản Bắc Thăng Long…
Theo Ban Quản lý chợ đầu mối phía Nam, chợ dân sinh và chợ đầu mối còn hạn chế về việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Để khắc phục những vấn đề trên, việc quản lý quy hoạch chợ tại một số địa phương cần được coi trọng hơn.
Để chợ đầu mối hoạt động hiệu quả, kinh doanh nền nếp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì từ cấp cơ sở cần có biện pháp mạnh xử lý các chợ cóc, chợ tạm tràn lan như hiện nay.