Những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, việc xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn và điều này, đặt ra vấn đề cần có một giải pháp hữu hiệu để các mặt hàng nông sản được tiêu thụ hiệu quả, từ đó đưa nông nghiệp phát triển bền vững, giúp người nông dân làm giàu.
Long An là một trong ba địa phương có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất cả nước với hơn 11.700 ha và gần 310.000 tấn mỗi năm. Mặt hàng này có giá trị cao, giúp người nông dân làm giàu. Những ngày qua, do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID - 19, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, mặt hàng thanh long của Long An tồn đọng hàng chục nghìn tấn, giá giảm liên tục từ 30.000 - 40.000 đồng/kg xuống chỉ còn 7.000 đồng/kg
Không chỉ thanh long của Long An, nông sản của các địa phương khác như dưa hấu, sầu riêng… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đơn cử như mặt hàng dưa hấu, do không có đơn vị thu mua xuất khẩu nên người nông dân không thể bán được dù giá đã xuống mức rất thấp, dưới 5.000 đồng/kg.
Theo ông Trương Quang An, nông dân trồng thanh long lâu năm ở huyện Châu Thành, Long An, loại thanh long ruột trắng hiện tại có thị trường rất rộng, có thể xuất đi nhiều nước như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đông Á… trong khi đó thanh long ruột đỏ hầu như chỉ xuất đi Trung Quốc. Nhưng những năm gần đây, loại ruột đỏ có giá hơn nên nông dân phá bỏ loại ruột trắng để trồng ruột đỏ. Bên cạnh đó, người dân ở nhiều địa phương thấy thanh long có giá trị cao nên cũng đổ xô đi trồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh, toàn tỉnh hiện có hơn 200 doanh nghiệp chế biến nông sản; trong đó, chủ yếu là mặt hàng lúa gạo, thủy sản, hạt điều, còn lại chế biến rau, củ, quả chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp với quy mô vừa và nhỏ.
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân vẫn chưa thực hiện được… Điều này dẫn đến việc tiêu thụ nông sản trong công nghiệp chế biến còn hạn chế.
Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: thanh long, chanh chủ yếu được sơ chế và xuất khẩu tươi sang Trung Quốc. Một số sản phẩm khác chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế nên giá trị gia tăng chưa cao. Vì vậy, cần đẩy nhanh, mạnh hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách đúng hướng.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tâm điểm của tái cơ cấu là phải tập trung vào công tác chế biến. Việt Nam đã có những nhân tố rất tích cực trong chuỗi giá trị, vì vậy phải chuyển đổi nhanh hơn, đưa nhiều nhà máy vào hoạt động, từ đó quay lại tổ chức vùng nguyên liệu thật chặt gắn nông dân với các nhà máy.
Song song với đó, cần phải tổ chức lại thị trường, không thể trông chờ vào một thị trường mà phải có nhiều thị trường. Hết sức chú ý đến thị trường gần 100 triệu dân trong nước. Đối với xuất khẩu phải đa dạng hóa nhiều loại thị trường, đối với các thị trường truyền thống phải làm sâu sắc hơn, đồng thời tiếp tục đàm phán, mở cửa khai thác nhiều thị trường hơn nữa.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, việc tổ chức ngành hàng của chúng ta hiện nay khá đa dạng, bên cạnh chế biến còn có tiêu thụ sản phẩm tươi. Do đó, phải chú ý đa dạng hóa sản phẩm, chỗ nào chế biến được thì chế biến, chỗ nào cấp đông thì cấp đông, chỗ nào xuất tươi được thì xuất tươi… để cố gắng có thị trường đa dạng trên một nền sản xuất đa dạng.
Nhưng tựu chung lại là phải theo một chuỗi chặt chẽ, khi sản xuất là phải có địa chỉ tiêu thụ; sản xuất là phải có nơi chế biến. Như vậy, mới hình thành nên một kịch bản sản xuất bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị, các địa phương cần tập trung rà soát lại toàn bộ quy hoạch, kế hoạch sản xuất. Trên cơ sở đó, yêu cầu các doanh nghiệp cùng vào cuộc để làm hạt nhân, liên kết chặt chẽ với nông dân trong việc tổ chức sản xuất, tổ chức chế biến.
Hiện tại, diễn biến của dịch COVID-19 vẫn đang rất phức tạp, tại thời điểm 27/2/2020 có 82.186 ca nhiễm, 2.840 ca tử vong trên toàn thế giới. Việt Nam có 16 ca nhiễm và tất cả đều đã được chữa khỏi.