Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, việc Trung Quốc siết chặt tác động đến tư duy nhìn nhận thị trường, kỷ cương lao động, đối tượng tác động chính là nông nghiệp và nông dân. Nếu không hành động và thay đổi quyết liệt thì mật độ giải cứu nông sản sẽ nhiều hơn.
Sáng 14/11, phát biểu tại Tọa đàm Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn có khả năng nhập khẩu nông sản nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta mới đáp ứng một phần rất nhỏ chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc.
"Trung Quốc yêu cầu đánh giá rủi ro rất khắt khe, từ giám sát mối nguy chế biến đến khâu đưa ra sản phẩm cuối cùng. Các quy trình đó cũng được Trung Quốc dụng như các nước phát triển Mỹ và EU. Các nhà máy phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, quy trình tránh lây nhiễm chéo sản phẩm. Các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi Trung Quốc đều giám sát thông qua các quy định rất chặt chẽ. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải hết sức chú trọng các khâu trong rà soát an toàn thực phẩm trong nguyên liệu, chế biến, phải giám sát chặt chẽ".
Theo ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, "Năm 2017, Trung Quốc đưa ra 7 mục tiêu trong đó tôi chọn ra 3 mục tiêu liên quan đến xuất khẩu chính ngạch. Thứ nhất, họ xây dựng một xã hội toàn diện, khá giả. Thứ 2 là đi sâu vào cải cách kết cấu trọng cung và điều đó sẽ thay đổi chính sách nhập khẩu rất lớn. Thứ 3 là chấn hưng nông thôn, liên quan đến chấn hưng nông nghiệp và giai tầng nông dân của Trung Quốc. Trong 3 mục tiêu trên thì Trung Quốc đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế thật có nghĩa là lấy nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp là phương hướng chủ công".
Ông Thủy cho biết thêm, "Việc Trung Quốc siết chặt hàng nhập khẩu tác động đến Việt Nam theo cách nhìn của tôi là nó có nhiều mặt. Thứ nhất, về mặt tư tưởng nhận thức, hiện nay nó đang chia thành hai luồng. Luồng thứ nhất là doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, chủ trang trại, người sản xuất, kinh doanh giỏi… xem đây là cơ hội và thách thức. Nếu như chuỗi liên kết giá trị của chúng ta tốt hơn thì cơ hội xâm nhập vào thị trường sâu hơn và năng lực cạnh tranh cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, luồng thứ 2 là đối với một số nông sản chủ lực không có cơ hội xuất khẩu thì người ta thờ ơ và chờ đợi, một số bộ phận không nhỏ sẽ đứng ngoài lề sự phát triển của chuỗi giá trị ấy, có nghĩa là dễ thì làm khó thì bỏ.
Tác động thức hai là về tổ chức và liên kết sản xuất. Sân chơi của nông nghiệp mới, doanh nghiệp, chủ trang trại, những nông dân sản xuất giỏi và hợp tác xã, đối với những nông hộ sản xuất nhỏ không có mặt hàng xuất khẩu thì gần như đã đứng ngoài lề sự phát triển. Dẫn đến tổ chức liên kết cũng chưa được trọn vẹn. Các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch nhìn ra vấn đề nhưng không vượt qua được khó khăn về nhân lực, cơ chế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa không muốn làm vệ tinh cho doanh nghiệp lớn cũng không muốn liên kết với nông dân nên sự chuyển đổi trong xuất khẩu này các doanh nghiệp nhỏ vừa vừa người ta chỉ túm lấy giá trị cuối cùng của chuỗi thương mại.
Việc Trung Quốc siết chặt tác động đến tư duy nhìn nhận thị trường, kỷ cương lao động, đối tượng tác động chính là nông nghiệp và nông dân. Nếu không hành động và thay đổi quyết liệt thì mật độ giải cứu nông sản sẽ nhiều hơn".