Giá trị xuất khẩu giảm mạnh, gạo Việt dần đuối sức

Thứ tư - 13/11/2019 21:44
Liên tục nằm trong Top 3 các quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam lại có chiều hướng sụt giảm do chất lượng thua kém các quốc gia có cùng thế mạnh.
Giá trị xuất khẩu giảm mạnh, gạo Việt dần đuối sức
Ngày 12-11, gạo ST25 của VN đã được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức.

Đây là một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines từ ngày 10 đến 13-11. Gạo ST25 của VN đã vượt qua gạo của các nước như Thái Lan, Campuchia để lần đầu tiên nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi này sau 10 lần tổ chức cuộc thi trong 10 năm qua.

Trong 10 lần tổ chức cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, Thái Lan là nước dẫn đầu với 5 lần đạt giải nhất, tiếp đến là Campuchia với 4 lần, Mỹ có 2 lần và Myanmar 1 lần (có những năm hai quốc gia đồng giải gạo ngon nhất).
 
76710769101584203810172418811921046140616704o 1573556145462511919484
Đoàn Việt Nam nhận giải thưởng gạo ngon nhất thế giới tại Philippines

Sau khi đón nhận tin vui này, nhiều người có lẽ sẽ không khỏi suy ngẫm khi nhìn vào thực tế của gạo Việt. Trong suốt 10 năm qua, gạo Việt chưa một lần khẳng định được vị thế của quốc gia xuất khẩu gạo Top 3 thế giới, chưa một lần vượt qua gạo của Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ và Campuchia trong những cuộc thi về gạo chất lượng.

Việt Nam có quyền tự hào khi từ đầu năm 2019 đến nay, sản lượng gạo xuất khẩu đến hầu hết các thị trường như: Philippines, Australia, Hồng Kông, Bờ Biển Ngà, Tanzania… đều tăng mạnh. Thị trường xuất khẩu cũng liên tục được mở rộng và hiện đã lên tới 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu từ 5 – 7 triệu tấn gạo.

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn, tương đương giá trị 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức giảm khá mạnh trong thời gian qua.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng chỉ ở mức 435,6 USD một tấn, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là lượng gạo tồn kho trên thế giới lớn, trong khi đó gạo đến từ các thị trường cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ được bán ở mức giá hấp dẫn.
 
them 42 doanh nghiep duoc phep xuat khau gao
Kim ngạch xuất 10 tháng năm 2019 tăng 6,1% về khối lượng nhưng lại giảm tới 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái

Trong khi giá trị của gạo Việt suy giảm, thì quốc gia láng giềng Campuchia lại đang có những bứt phá được xem là thần tốc. Campuchia đã lọt Top 5 nước được phép xuất khẩu gạo vào châu Âu (sau Mỹ, Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan). 

Nếu xét về sản lượng gạo xuất khẩu, Campuchia không phải là đối thủ của Việt Nam. Bởi, mỗi năm nước ta xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo, đứng top 3 thế giới. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 6 triệu tấn gạo thì Campuchia chỉ vỏn vẹn 626.225 tấn gạo các loại.

Song, xét về chất lượng và thị trường xuất khẩu, gạo Việt xuất khẩu sang 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng đa phần ở phân khúc thấp, gạo giá rẻ. Trong khi, Campuchia mới chỉ xuất khẩu ra vài chục nước trên thế giới, song gạo của nước này lại chủ yếu đánh chiếm ở những thị trường khó tính.

Yếu tố quan trọng nhất để gạo Campuchia chiếm lĩnh được những thị trường khó tính như châu Âu chính là chất lượng vượt trội. Một chuyên gia trong ngành lúa gạo nước này từng tiết lộ, Campuchia đặc biệt chú trọng sản xuất gạo hữu cơ và gạo sạch theo tiêu chuẩn bền vững. Điều mà ngành nông nghiệp Việt Nam dù đang rất nỗ lực, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Câu chuyện của lúa gạo hiển nhiên để lại nhiều suy ngẫm. Mục tiêu cốt lõi của xuất khẩu là giá trị kinh tế. Nếu có thể xuất khẩu ít nhưng giá trị mang lại lớn, có lẽ sẽ tốt hơn là phải đổ nhiều mồ hôi công sức, sử dụng nhiều tư liệu sản xuất (đất đai), tạo ra sản lượng lớn cho xuất khẩu, nhưng giá trị thu về lại… chẳng bao nhiêu. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần phải thay đổi.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây thừa nhận, không chỉ ngành lúa gạo mà nhiều nông sản trong nước cũng đang gặp khó khăn về thị trường. Về lâu dài, cạnh tranh sẽ căng thẳng hơn, và thách thức sẽ lớn hơn. Cùng với thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Trung Đông, châu Phi, cần tổ chức lại sản xuất để đảm bảo các nông sản có chất lượng và khả năng cung ứng tốt.

Rõ ràng, chỉ có thay đổi mới giúp nông sản Việt đứng vững và cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác. và quan trọng hơn là góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
 

Nguồn tin: Tổng hợp:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây