Đưa đặc sản Cao Bằng vươn xa

Thứ hai - 21/11/2022 22:18
Sau 2 năm triển khai xây dựng và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến nay toàn tỉnh Cao Bằng có 58 sản phẩm được công nhận và xếp hạng đạt sao OCOP cấp tỉnh. Việc định hình và phát triển sản phẩm OCOP đã khẳng định thương hiệu đặc sản và góp phần nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc miền núi nơi phên giậu của Tổ quốc.

Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân

Trong những ngày trung tuần tháng 11/2022, chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH một thành viên 688 tại huyện Nguyên Bình. Ông Nguyễn Quang Quyền, Giám đốc công ty cho biết, công ty đầu tư sản xuất chiếu trúc từ năm 2013, đến nay sản phẩm của công ty đã chinh phục được thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Đặc biệt, từ năm 2021 sản phẩm chiếu trúc, chiếu trúc hoạt hoá của công ty đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Các sản phẩm OCOP ở Cao Bằng đã vào được các trung tâm thương mại, siêu thị và được người tiêu dùng đón nhận.

Mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng công ty vẫn duy trì sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 70 đến 100 lao động, tuỳ theo thời vụ với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Để phát triển bền vững, công ty kết hợp với người dân trong vùng xây dựng và phát triển nguồn nguyên liệu tại các xã của huyện Nguyên Bình, bao tiêu sản phẩm cho gần 500 hộ người dân trong huyện như ở xã Triệu Nguyên, Thành Công, Yên Lạc… Từ đó, tạo thu nhập ổn định, người dân sống được nhờ rừng góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chị Nông Thị Lệ Thuỳ, chủ cơ sở sản xuất thạch đen Lê Thuỳ, thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An cũng cho biết, thạch đen Cao Bằng là sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, được làm theo kinh nghiệm truyền thống của gia đình. Từ năm 2017, gia đình chị bắt đầu sản xuất và đưa ra thị trường. Mới đầu chỉ tiêu thụ ở quy mô nhỏ tại địa phương, dần dần khi có chính sách hỗ trợ và quảng bá sản phẩm thạch đen Cao Bằng thì gia đình cũng mở rộng sản xuất hơn. Năm 2020, sản phẩm thạch đen của gia đình chị Thuỳ được công nhận sản phẩm OCOP.

Có mặt trong danh sách 58 sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng còn có sản phẩm miến dong. Miến dong Cao Bằng vốn nổi tiếng là nguyên chất được làm từ nguyên liệu củ dong riềng được người dân trồng trên các sườn đồi núi của huyện Nguyên Bình. Với mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm tốt nhất, mang lại giá trị và thu nhập ổn định cho người dân, từ năm 2017, HTX Nông sản Tân Việt Á đã đầu tư máy móc, cơ sở vật chất để sản xuất miến dong 100% nguyên chất, chinh phục thị trường trong nước.

Ông Trần Đức Hiếu, Giám đốc HTX Nông sản Tân Việt Á cho biết, nguyên liệu phục vụ sản xuất là bột dong đỏ, bột dong cao sản được thu mua từ người dân ở nhiều địa phương trong huyện Nguyên Bình, chủ yếu ở các xã Thành Công, Phan Thanh, Yên Lạc, Vũ Nông... Để có vùng nguyên liệu ổn định, HTX đã liên kết với các nhóm đồng sở thích trồng dong riềng thuộc Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng bằng phương thức cấp giống, phân bón, cuối vụ bao tiêu toàn bộ sản lượng bột dong. HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp (DN) để kết nối đưa sản phẩm đi một số nước châu Âu, châu Á như Tiệp Khắc, Nga, Australia, Hàn Quốc. Hiện, HTX đang tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 5-6 triệu/tháng.

Tương tự, sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020 Hồng Trà A1 và Lục Trà A1 của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng được đánh giá cao về chất lượng và bao bì sản phẩm. Đặc biệt, khách du lịch đến Khu du lịch sinh thái Kolia - có thể tham gia du lịch trải nghiệm đồi chè, tự tay hái chè và được hướng dẫn cách sao chè, đóng gói... như người dân bản địa.

Điều đáng chú ý, các sản phẩm OCOP ở Cao Bằng không chỉ bày bán ở chợ mà đã vào các trung tâm thương mại, siêu thị. Giá trị và chất lượng sản phẩm được nâng cao và từng bước chinh phục được người tiêu dùng.

Đẩy mạnh kết nối với chuỗi siêu thị, quảng bá sản phẩm

Chia sẻ với PV Báo CAND về việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua, ông Nông Thanh Mẫn, Chi cục Trưởng chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện nay tỉnh có 58 sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 55 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao và 03 sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao. Sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP đã được các chủ thể tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức như: Đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT-Postmart.vn, voso.vn, shopee.vn…).

Theo thống kê hiện tại ở 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đều có các sản phẩm OCOP. Thuộc 6 lĩnh vực: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải may mặc; đồ lưu niệm - nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch.

Ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết, huyện có rất nhiều sản phẩm đặc trưng và nhiều sản phẩm đã đạt sản phẩm OCOP. Các DN HTX đã triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu. Cùng với đó, hoạt động quảng bá, giao dịch sản phẩm trên kênh TMĐT cũng được các đơn vị chú trọng khai thác và mở rộng thị trường tiêu thụ. Mới đây, huyện cũng tổ chức các đoàn đi tham gia gian hàng ở một số chương trình lễ hội ở Hà Nội, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương. Qua đó, DN, HTX tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường và người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn, lượng tiêu thụ tăng người dân sản xuất cũng rất phấn khởi. Đây là tín hiệu tốt cho các sản phẩm của địa phương.

Ở góc độ chủ thể sản phẩm OCOP, ông Trần Đức Hiếu mong rằng, các sở ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng cần vào cuộc và đồng hành với HTX, DN, các chủ thể sản phẩm OCOP hơn nữa để hỗ trợ quảng bá, kết nối với các chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối để đưa sản phẩm Cao Bằng đi được xa hơn.

Ông Nông Thanh Mẫn cho biết, hiện Cao Bằng đang khảo sát, đánh giá lại các sản phẩm OCOP trên địa bàn, qua đó rà soát lại các sản phẩm đã được chứng nhận. Trong quá trình thực hiện các chủ thể có gặp khăn, vướng mắc gì còn tìm hướng giải quyết, hỗ trợ để người dân yên tâm đầu tư, sản xuất. Qua đó, cũng tìm kiếm những sản phẩm tiềm năng để xây dựng quy trình xây dựng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, trong khả năng của đơn vị cũng hỗ trợ tối đa cho các chủ thể trong quảng bá, phối hợp với các Văn phòng điều phối nông thôn mới của các tỉnh để giới thiệu sản phẩm của địa phương.

Dự kiến 2023 sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và tập huấn cho người dân trong bán hàng trên sàn TMĐT. Thông qua các sàn TMĐT, các DN, HTX, hộ sản xuất sẽ nắm bắt được những thông tin phong phú về thị trường, giảm chi phí tiếp thị, giao dịch, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Tác giả bài viết: https://cand.com.vn/thi-truong/dua-dac-san-cao-bang-vuon-xa-i675106/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây