Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra cũng ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt heo. Hiện nay, để nhập được 200-300 tấn thịt heo/tháng, các doanh nghiệp phải đặt cọc vài chục tỉ đồng cho mỗi lần mua.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) và các biện pháp bảo đảm nguồn cung thịt heo.
Báo cáo cho biết DTHCP đã được kiểm soát tốt, cả nước chỉ còn 539 xã (chiếm 6,3% tổng số xã có dịch) chưa qua 30 ngày. Tổng đàn heo tính đến thời điểm hiện tại vào khoảng hơn 24 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu heo nái.
Hiện nay nhiều địa phương tập trung tái đàn nhanh, hiệu quả, lượng thịt heo đủ cung ứng cho nhu cầu của các địa phương.
Theo báo cáo của địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi, từ tháng 1-2020 đã bắt đầu có sản phẩm của heo nuôi tái đàn. Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, trong năm 2020 có thể đảm bảo nguồn cung hơn 4 triệu tấn thịt heo.
Cụ thể, tháng 2-2020 dự báo lượng thịt heo cung cấp ra thị trường khoảng 330.000 tấn; tháng 3 khoảng 350.000 tấn; tháng 4 khoảng 360.000 tấn; các tháng tiếp theo vẫn tăng dần. Dự báo đến quý III-2020 số thịt heo cung cấp ra thị trường khoảng 1,098 triệu tấn; quý IV khoảng 1,145 triệu tấn.
Về nhập khẩu thịt động vật, tỉ lệ nhập thịt heo năm 2019 tăng 63% so với năm 2018, tương đương hơn 67.000 tấn, chủ yếu nhập từ Đức, Ba Lan, Brazil, Canada, Mỹ.
Tính riêng từ tháng 11-2019 đến nay, kể từ khi có chỉ đạo của Chính phủ về việc nhập khẩu 100.000 tấn thịt heo thì đến nay đã nhập khẩu được 17.421 tấn thịt và sản phẩm từ heo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong các thị trường nhập khẩu thịt heo, thị trường Mỹ có giá cao hơn các nước khác. Cạnh đó, thời gian và chi phí vận chuyển từ Mỹ về tới Việt Nam cũng lâu và cao hơn.
Một số khó khăn khác khi nhập khẩu thịt heo cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra như vấn đề vốn của doanh nghiệp gặp khó khăn. Để nhập 200-300 tấn/tháng, các doanh nghiệp phải đặt cọc vài chục tỉ đồng cho mỗi lần mua. Hiện nay, lượng thịt heo cũng không dồi dào, việc tìm được các nguồn cung cấp với giá hợp lý gặp khó khăn.
Đồng thời, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra cũng ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt heo.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc các bộ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các nguồn hàng thịt heo với giá hợp lý tại Mỹ và tại các nước.
Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt heo từ Mỹ; đồng thời chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện trong việc thông quan hàng thịt heo nhập khẩu.