Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) dù đã có thành công bước đầu nhưng sự phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, cần có giải pháp đồng bộ để khu vực kinh tế này đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nói chung.
Tăng kết nối giúp các thành viên giảm chi phí, tăng giá bán
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Trung ương khóa IX nêu rõ quan điểm cơ bản cho phát triển mô hình tổ chức hợp tác xã ở nước ta là: “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là HTX, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn”. Mục tiêu là “đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế”.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 212/QĐ-TTg ngày 20/2/2019 về kế hoạch và đề cương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX.
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả của HTX. Đặc biệt, Luật HTX năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX với hạt nhân là “hợp tác”, quy định rõ bản chất của tổ chức HTX, đã tạo ra khung pháp luật cơ bản phù hợp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX.
Đến nay, kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước, điều đó khẳng định Nghị quyết 13 là một chủ trương đúng đắn đã giúp các HTX từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 31/12/2018, cả nước có 101.405 tổ hợp tác, 22.861 HTX và 74 Liên hiệp HTX. Trong tổng số 22.861 HTX cả nước, có 13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân và 7.822 HTX phi nông nghiệp, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng khoảng 59% so với năm 2003. Số lượng các HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 57% trong tổng số HTX.
HTX tác động đến kinh tế thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Thực tế cho thấy, giữa hộ thành viên HTX so với hộ không phải là thành viên HTX về năng suất lao động không chênh nhau nhưng giá thành thì có sự chênh lệch rõ rệt. Các hộ thành viên HTX bán hàng với giá cao hơn các hộ không phải thành viên HTX khoảng trên 10%, chi phí sản xuất giảm khoảng 25%, do vậy, thu nhập của hộ thành viên HTX cao hơn so với các hộ không phải thành viên HTX khoảng 30%. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của HTX đối với nông dân, đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX phải đánh giá trên giá trị gia tăng của các hộ nông dân và giá trị sản phẩm của hộ nông dân tham gia, hiệu quả hoạt động của HTX vừa là hiệu quả của hộ gia đình, của kinh tế thành viên.
HTX có vai trò quan trọng tác động đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế; trở thành chỗ dựa, phát huy vai trò kinh tế hộ, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và hỗ trợ nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội cho thành viên.
Khắc phục điểm yếu của HTX
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thực tế, KTTT, HTX phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng.
Một số HTX còn thụ động, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của kinh tế thị trường. Đóng góp vào GDP của khu vực này có xu hướng giảm sút, từ trung bình khoảng 6% trong năm 2003 đến gần 4% năm 2018. Khu vực kinh tế tập thể, HTX chưa phát triển đạt được mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết.
Mục tiêu phát triển KTTT trong thời gian tới là sớm khắc phục các yếu kém, hạn chế hiện nay, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT. Xây dựng và phát triển mô hình KTTT, nòng cốt là HTX bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên. Thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT, HTX, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện công bằng xã hội. Nâng cao hình ảnh và vị thế của khu vực KTTT trong xã hội.
Để Luật HTX năm 2012 cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước được triển khai một cách hiệu quả và thực sự phát huy trong thực tiễn, có một số điểm cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, lâu dài để KTHT, HTX tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trước tiên, cần tiếp tục nâng cao, thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị và xã hội về phát triển kinh tế hợp tác theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách, pháp luật, vai trò và các mô hình kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền, tập huấn cho các tầng lớn nhân dân, thành viên HTX hiểu rõ, hiểu đúng bản chất, nguyên tắc và pháp luật về HTX, cơ chế quản trị, điều hành và kiểm soát hoạt động của HTX.
Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng rà soát chính sách hiện đang được ban hành phân tán tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, còn thiếu tính khả thi để sửa đổi, bổ sung, đồng bộ hóa và cụ thể hóa trong Luật HTX, nhằm cải thiện hiệu lực của Luật và các chính sách hỗ trợ phát triển KTHT khi sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012.
Thứ ba, bố trí nguồn ngân sách nhất định hỗ trợ HTX, Liên hiệp HTX, đặc biệt hỗ trợ phát triển HTX tham gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Nguồn kinh phí hỗ trợ HTX được ghi thành dòng riêng trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm và trung hạn để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế hợp tác.
Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác. Kiện toàn bộ máy, tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT từ Trung ương đến địa phương, từ tỉnh đến huyện, thị xã và cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với HTX, Liên hiệp HTX, cá nhân và tổ chức có liên quan; tăng cường giám sát thực thi pháp luật về HTX.
Thứ năm, các cấp uỷ, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt để thống nhất nhận thức về bản chất, nguyên tắc, pháp luật, vị trí, vai trò kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường trách nhiệm và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Củng cố hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tăng cường vai trò nòng cốt, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong việc phát triển kinh tế hợp tác và thống nhất, liên kết chặt chẽ hệ thống về tổ chức bộ máy hoạt động từ Trung ương đến địa phương.
Nhìn ra bối cảnh chung, Việt Nam ngày càng phát triển không ngừng, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang ngày càng sâu rộng, với sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định tự do thương mại thế mới đã tạo áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi các khu vực kinh tế, trong đó có khu vực HTX phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Khu vực HTX cần năng động hơn, kết nối hơn với các chủ thể khác trong nền kinh tế, mở rộng lĩnh vực hoạt động theo nhu cầu phát triển, trước hết là phát huy vai trò tích cực trong thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, kết nối và mở rộng hợp tác, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ và các chủ thể khác nhằm nâng cấp chuỗi giá trị, dịch vụ cho hộ gia đình, nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Trước mắt, cần tập trung xây dựng một số mô hình HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, thu hút được số đông người dân tham gia theo cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có quy mô lớn, có sức lan tỏa tại các vùng, miền trên địa bàn cả nước; các HTX dịch vụ cộng đồng theo địa bàn xã thực hiện một số tiêu chí của nông thôn mới. Từ đó, phổ biến, nhân rộng các mô hình HTX điển hình để củng cố niềm tin của người dân về HTX.
Về con người, cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp về kinh tế tập thể, HTX để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX; đổi mới và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, phát triển KTTT, HTX.
Các cơ quan quản lý cần có đánh giá, phân loại HTX hoạt động hiệu quả, trung bình, yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể từng HTX thực hiện tái cơ cấu; giải thể dứt điểm các HTX yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa cho thành lập HTX mới. Phát triển tổ hợp tác để tổ chức sản xuất theo mô hình KTHT, chuyển dần thành HTX, thành lập và hỗ trợ Liên hiệp HTX hoạt động, làm "đầu kéo" cho các HTX huy động nguồn lực phát triển và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.