Trong khi việc xuất khẩu theo kênh truyền thống không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, việc xuất khẩu qua chợ online toàn cầu có thể sẽ giúp nông sản Việt rộng cửa hơn.
Chia sẻ mới đây tại TP.HCM với giới doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản thực phẩm, ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Đầu tư Phát triển Công thương (Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương), cho biết đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử (TMĐT).
Tiếp cận nhiều người mua
Theo đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản của Việt Nam bán hàng thành công trên TMĐT đòi hỏi doanh nghiệp cần có những buổi đào tạo trực tuyến và trực tiếp về thủ tục đăng ký gian hàng điện tử, cũng như việc hoàn tất thủ tục xuất khẩu, hải quan, vận chuyển hàng hoá, hỗ trợ phát triển sản phẩm.
Với chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu (trong đó có ngành hàng nông sản) của Cục Xúc tiến Thương mại, ông Minh cũng nói rõ thêm về mốc thời gian vào các tháng 2, 3, 4/2020, sau khi được lựa chọn, những doanh nghiệp Việt tham gia sẽ được đào tạo, hoàn thành mở gian hàng trên sàn TMĐT này và bắt đầu thực hiện thủ tục xuất khẩu, chuyển hàng sang kho Amazon tại Mỹ.
Theo ghi nhận từ một số doanh nghiệp Việt chuyên cung cấp các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đang bán hàng khá thành công trên các trang TMĐT (còn gọi là chợ online) có tính toàn cầu, thị trường cho sản phẩm của họ ở nước ngoài lớn hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Bà Ngân Lê, Giám đốc công ty TNHH Paper Color ở quận Bình Tân (TP.HCM), khẳng định việc bán hàng ra toàn cầu giúp công ty tiếp cận được với lượng người mua lớn trên toàn thế giới.
“Chúng tôi đã phát triển từ doanh nghiệp với 2 thành viên ban đầu, đến nay đã xuất khẩu đi hơn 30 quốc gia trên thế giới và đang tiếp tục phát triển thương hiệu riêng của mình”, bà Ngân nói.
Còn theo bà Thu Trang, người sáng lập thương hiệu Cameliia Bees, thông qua bán hàng từ chợ online toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của công ty trung bình là 20 - 30% sau mỗi tháng, vào tháng cao điểm có thể tăng đến 100%.
“Bán hàng toàn cầu giúp công ty có lượng khách ổn định, lợi nhuận cao hơn, và xây dựng thương hiệu tốt hơn”, bà Trang bộc bạch.
Hoặc như ở tỉnh Thanh Hóa có CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Đồng Xanh được cho là đang phát huy hiệu quả lợi thế của TMĐT trong hoạt động xuất khẩu nông sản.
Theo Giám đốc Cao Hoàng Đức, để thúc đẩy việc xuất khẩu sản phẩm nông sản, thời gian qua, công ty Đồng Xanh đã tìm hiểu, tham khảo nhiều về những lợi ích của kênh TMĐT. Đồng thời, công ty đã thu hút nguồn nhân lực am hiểu, có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến này.
Chính vì vậy, việc tiếp cận kênh TMĐT của công ty Đồng Xanh tốt dần lên, giúp cho hợp đồng kinh tế, giao dịch thương mại với đối tác nước ngoài thuận lợi. Không những vậy, việc này còn giúp giảm 60% chi phí cho các hoạt động quảng bá, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm.
“Cánh cổng” hữu ích
Đặc biệt, nhờ vào kênh TMĐT mà các sản phẩm như dứa, dưa bao tử, cà chua bi đóng hộp của công ty Đồng Xanh đã được cung cấp, phân phối tại thị trường Nga và một số nước EU. Không những vậy, công ty còn thực hiện xuất khẩu các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ, tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện.
Có thể thấy, đối với hoạt động xuất khẩu nông sản trực tuyến, thông qua các chợ online toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm đối tác nước ngoài, cũng như đưa trực tiếp được mặt hàng nông sản Việt đến tay người tiêu dùng ngoại. Với những doanh nghiệp nhỏ, việc này có thể giúp giảm được nhiều chi phí xuất khẩu, hiệu quả hơn trong việc tiếp thị sản phẩm.
Chẳng hạn như để các nông sản thực phẩm Việt tiếp cận tốt hơn với thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giới chuyên gia đưa ra lời khuyên là đối với các doanh nghiệp nhỏ, chợ online cung cấp một “cánh cổng” hữu ích để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng doanh thu trong khi giảm thiểu rủi ro. Các chợ online nổi tiếng của Mỹ có thể kể đến như Amazon, Ebay, Fruugo,…
Đại diện Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) cho biết riêng năm ngoái khách hàng Mỹ đã chi 517,36 tỷ USD cho việc mua sắm online với tổng giá trị hàng hóa được bán trực tuyến đạt khoảng 3,63 nghìn tỷ USD; giá trị mua hàng trực tuyến tăng khoảng 15% mỗi năm.
Các doanh nghiệp Việt trong ngành hàng nông sản thực phẩm muốn tiếp cận các kênh bán lẻ ở Mỹ cũng cần lưu ý là rất nhiều cửa hàng, chuỗi bán lẻ truyền thống tại nước này hiện đã phải đóng cửa do sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT. Trong khi đó, chợ bán lẻ trực tuyến hiện chiếm 14,3% tổng lượng bán lẻ và liên tục tăng trưởng trong các năm gần đây.
Ngoài ra, nông sản Việt một khi đã nhắm đến xuất khẩu trực tuyến thì có thể bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình thông qua các trang web của bên thứ ba, sử dụng các mạng tiếp thị và bán hàng hiện có.
Đơn cử như doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng Amazon, Alibaba như chợ trực tuyến để bán các sản phẩm, mặt khác có thể sử dụng những chợ online này như một kênh làm dịch vụ phân phối cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần có một chiến lược tiếp thị rõ ràng, có tính đến các yếu tố địa phương của nhóm khách hàng mục tiêu. Như việc tiếp thị hàng hóa hoặc dịch vụ cho khách hàng Mỹ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston cho rằng doanh nghiệp có thể sử dụng các trang truyền thông, mạng xã hội như Facebook, Twitter hoặc YouTube để quảng bá sản phẩm của mình và phát triển cơ sở khách hàng ở Mỹ.