Chợ Moran: Vị trí của chợ truyền thống trong văn hóa Hàn Quốc

Thứ năm - 12/03/2020 01:06
Nằm trong lòng thành phố Seongnam với vị trí thuận lợi gần thủ đô Seoul, chợ truyền thống Moran là một trong những chợ tiêu biểu của Hàn Quốc, thu hút nhiều nhất số lượng du khách trong và ngoài nước mỗi khi phiên chợ họp.
Chợ Moran ngày nay
Chợ Moran ngày nay

Quá trình biến đổi từ chợ Moran thành chợ truyền thống Moran 

Giai đoạn thứ nhất là thời kì hình thành chợ Moran. Chợ Moran được thành lập bởi thị trưởng Kim Chang Suk vào đầu những năm 1960 nhằm mục đích làm tăng thuế cho quận Kwang Ju. Tức là, chợ Moran đã được hình thành bởi mục đích hành chính hơn là bởi nhu cầu cần thiết trao đổi hàng hóa. Ban đầu, chợ Moran được xây dựng ở khu vực gần phường Sujin 2 thuộc thành phố Seongnam. Khu vực này vừa là trung tâm hành chính vừa là trung tâm giao thông có các đại lộ dẫn đến Seoul. Theo hình thức họp chợ truyền thống, phiên chợ Moran được qui định họp vào các ngày 4, ngày 9 trong năm.

Giai đoạn thứ hai là thời kì hình thành chợ truyền thống Moran. Chợ Moran vẫn được biết đến là chợ chuyên buôn bán thịt chó. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị tổ chức thế vận hội Olympic Seoul, các kênh thông tin ngôn luận đã phê phán điều này. Trước sức ép của ngôn luận, thành phố Seongnam đã có ý định phá bỏ chợ Moran. Tuy nhiên, các thương nhân trong chợ đã thành lập hiệp hội nhằm tập hợp sức mạnh tập thể để thiết lập đề án xây dựng chợ truyền thống Moran. Kết quả là thành phố Seongnam đã quyết định tái thiết chợ Moran thành chợ truyền thống nhằm thu hút du lịch cho thế vận hội Olympic Seoul năm 1988. Chỉ những hội viên mới có quyền buôn bán tại chợ và hình thức buôn bán thịt chó hoàn toàn bị nghiêm cấm. Nhiều sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương như các loại hoa, quả, rau xanh, ớt, tiêu, thảo dược vẫn được khuyến khích bày bán.

Giai đoạn thứ ba là thời kì biến đổi của chợ truyền thống Moran. Khu đô thị mới Bundang được xây dựng vào đầu những năm 1990 nhằm thu hút dân cư thuộc các tầng lớp trung lưu từ Seoul. Sự hình thành khu đô thị mới này đã tạo nên một bức tường phân tách rõ ràng giữa một bên là chợ truyền thống Moran phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho dân cư thuộc các khu vực Seongnam cũ và một bên là các siêu thị, trung tâm mua sắm mới phục vụ nhu cầu dân cư thuộc khu đô thị mới Bundang.
 
unnamed (1)
Chợ Moran đẩy mạnh quảng bá du lịch chợ thông qua việc tích cực tuyên truyền

Trước tình hình này, hội thương nhân chợ truyền thống Moran đã đổi mới công tác quản lý theo mô hình hiện đại nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chợ Moran như cấp thẻ hội viên cho các thành viên của hội, thiết lập một cơ chế khai báo cho người tiêu dùng. Với cơ chế này, người tiêu dùng có thể phản ánh những điều không hài lòng khi mua sắm tại chợ, từ đó, ban quản lý chợ sẽ có các biện pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, hội thương nhân còn đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh quảng bá du lịch chợ thông qua việc tích cực tuyên truyền và khắc sâu cho từng hội viên các giá trị văn hóa truyền thống của chợ Moran. Từ đó, các hội viên luôn có trách nhiệm phải tuyên truyền và quảng bá với các du khách đến chợ.


Ý nghĩa hình thành chợ truyền thống Moran và vai trò của hội thương nhân


Ngay từ khi mới thành lập, hội thương nhân đã thay đổi tên chợ từ chợ Moran thành chợ truyền thống Moran nhằm khắc sâu ý nghĩa của chợ Moran như một không gian văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, hội thương nhân vẫn duy trì hình thức họp chợ theo phiên vào các ngày 4, ngày 9 hàng năm.

Hình thức chợ phiên đã được công nhận là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại Hàn Quốc. Được tái thiết đúng vào dịp tổ chức thế vận hội Olympic Seoul, chợ truyền thống Moran chứa đựng ý nghĩa văn hóa như một địa điểm du lịch giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc. Từ năm 2000, lễ hội được tổ chức đều đặn mỗi năm một lần vào mùa xuân hoặc mùa thu nhằm mục đích tái hiện hình ảnh chợ truyền thống và chấn hưng nền văn hóa nghệ thuật địa phương. Có thể nói, lễ hội này là minh chứng rõ nhất cho nỗ lực của hội thương nhân trong việc tạo nên một không gian văn hóa nhằm giúp du khách cảm nhận được hương vị truyền thống vượt ra khỏi không gian trao đổi hàng hóa đơn thuần.

Trong cuộc khảo sát được thực hiện tại Hàn Quốc năm 2011, nghiên cứu này đã đưa ra câu hỏi: "Chợ Moran có ý nghĩa như thế nào trong suy nghĩ của ông/bà/anh/chị?". Kết quả cho thấy 51,3% là tỷ lệ cao nhất trả lời rằng chợ Moran mang ý nghĩa văn hóa tái hiện hình ảnh chợ phiên và là không gian để du lịch, thư giãn v.v... Tiếp đến là câu trả lời rằng chợ Moran mang ý nghĩa xã hội như là nơi để gặp gỡ và trao đổi thông tin với bạn bè chiếm 49,1%. Câu trả lời rằng chợ Moran mang ý nghĩa kinh tế như là nơi mua bán hàng giá rẻ chiếm 35,4%. Kết quả này đã cho thấy rõ phần lớn du khách và người dân địa phương đang coi chợ Moran như một không gian văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Hàn.
 
183007 124359 3957
Chợ truyền thống không chỉ là không gian trao đổi hàng hóa mà còn trở thành một không gian hò hẹn, trao nhau tình cảm yêu thương.

Trong bài viết của nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng của Hàn Quốc Lee Chang-Guy, ông đã lựa chọn chợ truyền thống Moran làm hình ảnh minh họa cho bài viết của mình. Do vị trí gần thủ đô Seoul nên chợ truyền thống Moran được nhiều người dân Hàn Quốc và du khách nước ngoài biết đến và thường xuyên qua lại. Chợ nằm ngoài trời có 950 sạp hàng hóa và thu hút khoảng 100.000 người mua sắm vào những ngày họp chợ. Hình ảnh chợ Moran trong thơ văn của Lee ChangGuy như là nơi ai đó ngóng trông tin tức người con gái đi lấy chồng xa, nơi trao đổi nông sản thu hoạch để lấy những nhu yếu phẩm.

Điều này đã khẳng định rõ thêm rằng trong tiềm thức mỗi người dân Hàn Quốc, chợ truyền thống Moran nói riêng và chợ truyền thống tại Hàn Quốc nói chung không chỉ là không gian trao đổi hàng hóa mà còn trở thành một không gian hò hẹn, trao nhau tình cảm yêu thương. Bên cạnh đó, một câu hỏi khác cũng được đưa ra: "Theo bạn, vẻ đẹp văn hóa truyền thống của chợ Moran được biểu hiện ở những điểm nào sau đây?". Kết quả cho thấy 82,2% lựa chọn phương án trả lời là các sản phẩm được bày bán, 100% chọn phương án trả lời là lễ hội hàng năm, 68,1% trả lời là kiến trúc các quầy hàng, 97% chọn phương án trả lời là hình thức họp chợ phiên và 100% chọn phương án trả lời là tên chợ.
 
cho dan gian Moran
Nhiều loại đặc sản được bày bán tại chợ truyền thống Moran

Như vậy, có thể nói, giữa vô vàn các siêu thị và trung tâm mua sắm hiện đại, chợ Moran vẫn tồn tại như một bức tranh sinh hoạt truyền thống tiêu biểu trong lòng xã hội Hàn Quốc. Ngoài ý nghĩa kinh tế đơn thuần, dường như chợ Moran đang được biết đến nhiều hơn bởi ý nghĩa văn hóa vừa như một di sản văn hóa truyền thống vừa như một địa điểm du lịch hấp dẫn. Đáng chú ý là trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của chợ Moran, hiệp hội thương nhân đã đóng góp một vai trò không hề nhỏ.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây