Chợ Hà Nội bất cập từ cách nhìn quy hoạch

Thứ năm - 31/10/2019 04:45
Hà Nội xưa gọi là Kẻ Chợ, hội tụ các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lớn nhất cả nước. Dần dần chợ phát triển lên rải rác khắp thành phố (TP), ngược lại chợ góp phần vào sự phát triển. Bây giờ, ngoài chợ truyền thống, bán buôn, bán lẻ; còn có chợ đa năng hay gọi là các Trung tâm thương mại (TTTM)
Trung tâm thương mại chợ Mơ.
Trung tâm thương mại chợ Mơ.

Từ chợ truyền thống đến “chợ hiện đại”


Năm 2012, Hà Nội có Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 05/11/2012 của UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ (BBBL) trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Năm 2016 có Quyết định số 6239/QĐ-UBND ngày 10/11/2016 phê duyệt bổ sung các dự án TTTM vào Quy hoạch mạng lưới BBBL trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cũng năm này, Hà Nội có Quyết định số 4512/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung danh mục TTTM vào Quy hoạch mạng lưới BBBL trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Về chợ truyền thống, mới nhất, ngày 16/11/2018, UBND Hà Nội có Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ban hành Quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TP Hà Nội. Toàn TP hiện có 454 chợ gồm 15 chợ hạng 1, 59 chợ hạng 2, 331 chợ hạng 3 và 49 chợ chưa phân hạng. Những chợ này được quản lý theo 4 mô hình: Ban quản lý (67 chợ); tổ quản lý hoặc xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý (229 chợ); doanh nghiệp quản lý (106 chợ); hợp tác xã quản lý (52 chợ).

Về chợ hiện đại, toàn TP hiện có 135 siêu thị và 28 TTTM. Như vậy, so với quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ đến năm 2020, định hướng 2030, Hà Nội sẽ phát triển thêm 864 siêu thị và 41 TTTM.

Siêu thị và TTTM chủ yếu tập trung tại khu vực đông dân cư, nơi người dân có điều kiện kinh tế khá. Còn đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình trở xuống vẫn lựa chọn chợ truyền thống cho việc mua sắm của mình.

Hà Nội định hướng sẽ không xây mới chợ ở khu vực nội thành và sớm cải tạo các chợ truyền thống thành chợ đa năng. Đồng thời sẽ lựa chọn để nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn (có diện tích trên 10.000 m2) hiện có thành chợ hạng 1, khang trang hiện đại, hình thành nên các khu thương mại trung tâm. Từng bước chuyển hóa các chợ dân sinh loại nhỏ (có diện tích nhỏ hơn 2.000 m2) thành các siêu thị hạng 3, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời di dời các chợ bán buôn nông sản trong nội thành ra ngoại thành để xây mới các chợ bán buôn nông sản quy mô lớn.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, khi quy hoạch Hà Nội tập trung vào việc phát triển các siêu thị, TTTM mà quên mất vai trò của các chợ truyền thống. Thậm chí, nhiều chợ ở khu vực nội thành đã bị thay thế bởi các siêu thị, TTTM. Điều này đang tạo ra hiệu quả không như mong muốn. Bởi vai trò của các chợ dân sinh là rất quan trọng đối với đời sống. Tâm lý người đi chợ đã không được khảo sát, đánh giá khi xây dựng và thực hiện quy hoạch.


Bất cập và lãng phí nguồn lực


Theo Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 05/11/2012 của UBND thành phố Hà Nội thì các chợ truyền thống nổi tiếng của các quận cũ Hà Nội như các chợ Ngã Tư Sở (Quận Đống Đa), chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm),  chợ Hôm – Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) được xác định “nâng cấp”. Điều kỳ lạ là chợ Bưởi (Ba Đình), chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm) và chợ Mơ (Hai Bà Trưng) biến mất trong quy hoạch, kể cả quyết định “phê duyệt bổ sung”. Trên thực tế, từ năm 2010 chợ Hàng Da, chợ Hôm – Đức Viên; năm 2014 chợ Mơ đã biến thành TTTM đa năng (chợ truyền thống, văn phòng, căn hộ, siêu thị...)

Được “quy hoạch” hoành tráng nhưng trên thực tế các chợ đầu mối lâm vào cảnh “hoang tàn”, ví dụ: Hải Bối, Xuân Đỉnh, Minh Khai, Baza... Nguyên nhân đặt nhầm chỗ, thiết kế không hợp lý, nằm xa trung tâm, bất cập trong quy hoạch... là những lý do khiến hàng loạt các khu chợ đầu mối được đầu tư hàng chục tỷ ở ven đô không hút được tiểu thương tới buôn bán. Khối tài sản lớn ngày càng trở nên hoang tàn...

Các siêu thị thời điểm khai trương đều thu hút hàng ngàn lượt khách đến mua sắm, tham quan; nhưng hiện nay (kể cả các thương hiệu lớn như đình đám như chuỗi Vinmart, Big C, LOTTE Mart...) nhiều khi giống "chợ chiều". Với TTTM, cảnh “đắp chiếu” ki ốt không cá biệt: Parkson, Tràng Tiền Plaza, TTTM Hàng Da... gần như “chết yểu” ngay sau khi hoàn thiện. Nguyên nhân chủ yếu là do mô hình mới, thiết kế khu vực chợ thuộc TTTM chưa hợp lý, thuận tiện cho việc mua sắm, nhất là khu để xe; giá thuê và giá hàng hóa đắt đỏ.... 

Chính TTTM chợ Mơ đã học tập được kinh nghiệm “thất bại” của nhiều TTTM nên dành tầng bán hầm để duy trì chợ truyền thống, được gửi xe miễn phí... nhưng ế ẩm vẫn là ế ẩm. “Văn hóa đi chợ”, thu nhập của phần đông người dân Hà Nội chưa tương thích với TTTM.

Rõ ràng, thay thế chợ truyền thống bằng siêu thị hay TTTM sẽ có rất nhiều nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, theo chiều hướng tiêu cực. Khi người dân không được tạo điều kiện bán hàng ở chợ dân sinh, họ tiếp tục bán hàng trên vỉa hè trong khi cảnh sát cứ đuổi họ, đây là nghịch lý Hà Nội, tạo ra hình ảnh không đẹp về chợ, gây áp lực lên giao thông.

“Việc xem xét các dự án xây dựng TTTM hiện nay không thể nóng vội. Ý định đầu tư là của chủ đầu tư, nhưng cơ quan quản lý phải xem xét kỹ trên việc đánh giá nhu cầu thực tế chứ không được nóng vội để sau khi xây dựng không có hiệu quả” – một lãnh đạo không muốn nêu tên của Hà Nội nhận định. Gần đây TP. Hà Nội đã giãn, hoãn tiến độ với các dự án có ý tưởng chuyển đổi theo mô hình này. Các dự án biến chợ truyền thống Thành Công (Ba Đình), Ngã Tư Sở (Đống Đa), Nghĩa Tân (Cầu Giấy) đã bị hủy bỏ.

Hà Nội đang lúng túng với quy hoạch và phát triển chợ. Các chợ truyền thống luôn là “đích ngắm” của các nhà đầu tư luôn muốn “thôn tính” nhưng làm như đã làm là lãng phí nguồn lực.

Nguồn tin: baophapluat.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây