Dịch tả heo châu Phi dẫn đến thiếu hụt nguồn cung thịt heo, khiến thị trường không chỉ chao đảo về giá mà các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành này cũng đối diện với cuộc khủng hoảng lợi nhuận. Ngay cả các đại gia có tên tuổi trên thế giới cũng đang vất vả đối phó trước cơn dịch bệnh này.
Hụt hơi với dịch bệnh
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Phạm Đức Bình nhìn nhận ngay cả các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn cũng đang chịu dịch bệnh và thiệt hại nặng nề tại thị trường nước ta do dịch tả heo châu Phi.
“Cứ quan sát thị trường sẽ thấy vẫn có những con heo trọng lượng 30-40 kg bán đầy ở các chợ mà lẽ ra phải nuôi lớn hơn bán kiếm lợi. Đơn giản là các trang trại bán để chạy dịch” - ông Bình nói.
Gã khổng lồ về chăn nuôi là Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam là một ví dụ. Năm ngoái, doanh nghiệp này hào hứng với lễ kỷ niệm 25 năm có mặt tại thị trường Việt Nam với điểm nhấn là doanh thu tăng 2 tỉ USD. Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường quan trọng bậc nhất của tập đoàn này khi chiếm 26% tăng trưởng, cao nhất trong các thị trường.
Tuy nhiên, năm nay niềm vui này không trọn vẹn. Bởi tính đến giữa năm 2019, C.P đã chứng kiến sự suy giảm đến 20% so với cùng kỳ. Ngay cả thị trường Trung Quốc cũng giảm 7%. Đây là hai quốc gia bị ảnh hưởng rất mạnh bởi dịch tả heo châu Phi. Trong khi đó, các thị trường khác, mảng doanh thu chăn nuôi tăng 2%-5%.
Sức ép suy giảm doanh thu của C.P. Việt Nam còn tăng mạnh khi cơ cấu mảng chăn nuôi chiếm đến hơn 60% doanh thu. Chưa kể là mảng về con giống và thức ăn chăn nuôi của đơn vị này cũng giảm do e ngại dịch bệnh nên người dân không tái đàn.
Doanh nghiệp đình đám về chăn nuôi heo lớn nhất ở phía bắc là Công ty Tập đoàn Dabaco cũng có kết quả kinh doanh không mấy tích cực trong quý III-2019 khi lãi ròng giảm hơn 87% so với cùng kỳ, chỉ đạt 19 tỉ đồng. Trong giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam về việc sụt giảm nghiêm trọng lợi nhuận, ban lãnh đạo Dabaco cho rằng “do dịch tả heo châu Phi khiến người chăn nuôi giảm đàn đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh”.
Tương tự, công ty rất lớn về heo phía nam là Vissan cũng đang chống chọi với dịch tả heo châu Phi. Là đơn vị mang trọng trách bình ổn thị trường, Vissan đang đứng trước nguy cơ lỗ với mảng thịt tươi sống. Vào tháng 10, Vissan từng đề nghị tăng giá thịt heo nằm trong chương trình bình ổn thị trường lên 30% nhưng cơ quan quản lý nhà nước chỉ đồng ý tăng giá phân nửa con số đó. Đến cuối tháng 11, trước tình hình nguồn cung ngày càng hạn chế, Nhà nước đã cho phép điều chỉnh giá bình ổn lần hai.
Ngoài ra, Vissan còn đang gánh khoản chi phí tồn kho cho việc duy trì thịt đông lạnh với hàng trăm tỉ đồng. Điều này nhằm đáp ứng thị trường trong vòng hơn hai tháng, một khi nguồn cung thịt heo có vấn đề.
“Số tiền lưu kho thịt đông lạnh đến từ vay ngân hàng và vốn tự có, điều này làm mất nhiều chi phí cơ hội kinh doanh. Tất nhiên, chúng tôi biết bài toán kinh doanh thế nào là hiệu quả nhưng hiện nay phải chấp nhận rủi ro để phòng ngừa” - ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết.
Vẫn nuôi kỳ vọng
Dù đang gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh thị trường thịt heo còn nhiều biến động khó lường nhưng các đại gia chăn nuôi vẫn kỳ vọng bằng cách đầu tư bài bản cho chuỗi khép kín lẫn mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác sẽ vẫn kiếm được lợi nhuận tốt.
Chiếu theo góc nhìn này, C.P. Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng tốc doanh thu tại thị trường Việt Nam. Một đánh giá của đơn vị này cho biết tăng trưởng doanh thu trong năm nay dự kiến sẽ cao hơn 6% so với cùng kỳ do giá thịt heo bình quân đã cao vì dịch heo tai xanh. Có thể nhìn thấy rõ điều này, bởi dù mảng chăn nuôi suy giảm hơn 20% nhưng mảng thức ăn chăn nuôi cho gia cầm và thực phẩm tăng lần lượt là 13% và 31%. Ngoài ra, mảng kinh doanh gà của C.P. Việt Nam cũng đang hưởng lợi lớn trước xu hướng người tiêu dùng dịch chuyển từ heo sang thịt gà, bò, vịt…
Do mới gia nhập thị trường, chưa ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh nhưng Masan MeatLife, công ty con của Tập đoàn Masan, đã xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ trang trại đến bàn ăn trong ngành heo. Trong đó đặc biệt là mô hình thịt mát dự báo sẽ tăng tốc mạnh trong tương lai.
Chưa kể là Masan MeatLife còn hưởng lợi nhiều hơn từ thức ăn chăn nuôi một khi giá heo hơi ổn định và người dân tăng tốc tái đàn vì doanh nghiệp này đang có thị phần rất tốt ở mảng này.
Tổng giám đốc Công ty Vissan Nguyễn Ngọc An đánh giá tại các kênh truyền thống, người mua thịt heo e ngại các quầy không đảm bảo các điều kiện bảo quản, không rõ nguồn gốc nên sức mua có giảm. Ngược lại, lượng kinh doanh ở các siêu thị lớn hiện đại có khuynh hướng tăng. Bên cạnh đó, Vissan vẫn tăng trưởng khá mạnh vì có thế mạnh từ thực phẩm chế biến, đứng đầu là mảng xúc xích và khả năng sáng tạo các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Vissan đã có một loạt giải pháp đồng bộ. Đơn cử như truyền thông để người dân hiểu, nhận thức được dịch bệnh heo châu Phi ra sao, nên chọn lựa mua hàng tại các điểm bán có thương hiệu và nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng” - ông Nguyễn Ngọc An nói.