3 lần tăng nguồn cung, siêu thị vẫn "cháy hàng" thực phẩm thiết yếu
Thứ tư - 05/02/2020 22:16
Sản lượng bán ra đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại một số hệ thống siêu thị tăng mạnh trong nhiều ngày qua. Từ khoảng 16h, người dân đã khó tìm mua rau củ, thịt, trứng.
Tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Nguyễn Văn Thương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngày 3/2, các kệ hàng rau củ và thịt đã trống trơn từ buổi chiều tối. Thông thường, người tiêu dùng vẫn có thể tìm mua các mặt hàng này đến khoảng 21h.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở siêu thị Lotte Mart trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM) ngày 4/2. Các sản phẩm rau lá hết sạch, chỉ một ít loại rau củ còn hàng.
Trong khi đó, tại Co.opMart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) ngày 5/2, dù không "cháy hàng" sớm như các siêu thị trên nhưng từ khoảng 18h30, nhiều mặt hàng đã bắt đầu khan hiếm.
Bên cạnh rau củ, các loại thịt, trứng, cá cũng nhanh chóng hết hàng từ sớm. Đây là những mặt hàng thiết yếu và có chất lượng cùng mức giá ổn định trong siêu thị.
Chị Giang (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) tỏ ra bất ngờ khi quầy rau củ trống trơn dù chỉ mới 19h. "Tôi thường ghé mua thức ăn trên đường đi làm về, nhưng hôm nay hết sớm thế này, chẳng biết bữa tối ăn gì đây", chị nói.
Chị Tuyết, nhân viên quầy thịt đông lạnh ở siêu thị Lotte Mart Tân Bình, cũng xác nhận gần một tuần qua, các sản phẩm thịt đông lạnh thường bán hết từ 18h. Chị dự đoán do nhu cầu tiêu thụ sau Tết tăng cao, đồng thời một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý tích trữ vì e ngại dịch bệnh do virus corona gây ra.
Thực tế, một số người tiêu dùng chia sẻ đã tranh thủ mua số lượng lớn các mặt hàng gạo, gia vị, thực phẩm đông lạnh và các loại rau củ giữ được dài ngày, phòng khi dịch nCoV tiếp tục lây lan thời gian tới.
Các hệ thống VinMart, Saigon Co.op cho biết đã tăng 30-50% nguồn cung những ngày qua. Hàng hóa tại thời điểm đầu ngày vẫn được sắp xếp đầy đủ như thường lệ. Đại diện VinMart lý giải nguyên nhân "cháy hàng" ngoài vấn đề tích trữ do dịch bệnh, còn bởi yếu tố thời tiết cực đoan ở miền Bắc từ ngày 24-31/1 làm ảnh hưởng sản lượng nông sản. Đồng thời, người dân cũng có tâm lý bổ sung rau, củ, quả vào thực đơn hàng ngày sau kỳ nghỉ Tết vốn sử dụng nhiều thịt, nếp. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là nguồn lao động ngay sau kỳ nghỉ Tết chưa được phân bổ tốt, gây khó khăn cho công tác vận chuyển và sắp xếp hàng hóa trong các siêu thị.
Thực tế, lượng khách hàng đến siêu thị trong những ngày này đông đúc không khác gì đợt mua sắm cận Tết. Đại diện VinMart cho biết sản lượng tiêu thụ toàn hệ thống tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.