Yên Thủy là huyện miền núi được thiên nhiên ưu đãi có thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp với một số loại cây có hạt chứa dầu, đặc biệt là cây lạc. Người nông dân nơi đây đã nhận biết và sớm đưa cây lạc về canh tác. Do đem lại giá trị kinh tế cao nên đến nay cây lạc luôn là cây chủ lực, cây truyền thống của địa phương.
Tuy nhiên do diện tích và sản lượng lớn, cùng với lạc là hạt chứa dầu nên khó bảo quản, thị trường tiêu thụ không ổn định chủ yếu phụ thuộc vào thương lái gom hàng xuất đi Trung Quốc, nông dân bị lệ thuộc đầu ra, thường xuyên bị ép giá. Trên địa bàn chưa có một đơn vị nào đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến sâu sản phẩm để gia tăng giá trị và ổn định thị trường.
Anh Đinh Đức Chiến |
Với các yếu tố, điều kiện như vậy là động cơ thúc đẩy anh Chiến tìm tòi, học hỏi và năm 2019 đã quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Yên Thuỷ. Anh Đinh Đức Chiến chia sẻ: “Bản thân xuất thân tôi từ nhà nông nên hiểu và trăn trở với những khó khăn của người nông dân. Vì vậy, tôi quyết định thành lập hợp tác xã để giải quyết nguồn nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Với mô hình sản xuất kinh doanh này, chúng tôi có thể tranh thủ lợi thế vùng nguyên liệu để đầu tư chế biến, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, hạn chế việc tư thương ép giá, làm gia tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nguồn lực lao động trẻ của địa phương”.
Khi mới bắt tay thành lập hợp tác xã, anh Chiến huy động toàn bộ nguồn vốn từ cá nhân, kết hợp với việc huy động, vay vốn ngân hàng… và được tổng vốn điều lệ gần 1.4 tỷ đồng. Hợp tác xã do anh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Cùng với đất hiện có của hợp tác xã là 5ha, liên kết sản xuất với Tổ hợp tác và người dân 30ha, nhà xưởng 250m2, nhà kho 300m2, anh đầu tư 2 máy ép dầu thực vật công nghiệp, tổng công suất 200kg/h, một máy bóc tách, sơ chế, 3 máy lọc khí nén, một máy gia nhiệt, hệ thống bình ngưng, bồn chứa và một số máy móc chế biến sản phẩm phụ. Tổng số thành viên của hợp tác xã là 12 người, liên kết với Tổ hợp tác ở địa phương 32 người, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên.
Hợp tác xã tạo việc làm cho nhiều lao động trẻ |
Lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu của hợp tác xã là trồng, thu mua, chế biến (ép dầu) lạc. Các sản phẩm phụ gồm khô dầu lạc, vỏ lạc được đầu tư máy nghiền công suất lớn, máy ép cám viên công nghiệp để tạo ra sản phẩm thức ăn chăn nuôi sạch, phân hữu cơ, hoàn toàn không thải ra môi trường bất cứ phụ phẩm gì.
Theo anh Chiến, quy trình sản xuất dầu lạc gồm 5 giai đoạn: Tách hạt, sơ chế, ép dầu, lọc dầu và lưu mẫu đóng chai. Trung bình khoảng 2kg lạc ép được 1 lít dầu. Các sản phẩm phụ như vỏ và bã lạc được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ trồng cây. Mỗi năm, hợp tác xã của anh tiêu thụ 60 tấn lạc cho bà con nông dân trong huyện và các vùng lân cận.
Với ưu thế nguồn nguyên liệu của địa phương, đặc biệt về chất lượng là sản phẩm sạch và nguyên chất, không pha trộn, không chất bảo quản, sản phẩm dầu lạc của Hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Yên Thuỷ đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, được thị trường đón nhận tích cực.
Tháng 11/2022, anh Đinh Đức Chiến vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVII do Trung ương Đoàn trao tặng. Anh muốn truyền thông điệp tới các bạn trẻ rằng: “Thanh niên chúng ta hãy dám nghĩ, dám làm và làm thành công”.
Tác giả bài viết: https://tuoitrethudo.com.vn/ong-chu-dau-lac-nuc-tieng-o-hoa-binh-214874.html
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023