Nông dân Đồng Nai làm giàu từ cây bưởi da xanh

Thứ ba - 11/02/2020 23:31
Kinh tế vườn là thế mạnh của ngành nông nghiệp huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Vài năm nay, nhờ mạnh dạn chuyển đổi các vườn cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi xa danh, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú. Hiện tại, mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP đang được khuyến khích nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ổn định cuộc sống cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Thuật (ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm) bên vườn bưởi VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Thuật (ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm) bên vườn bưởi VietGAP.

Mạnh dạn thay đổi cây trồng


Từng có thời gian trồng nhiều loại cây khác nhau như: chôm chôm, cà phê, tiêu, chuối... song đối với ông Nguyễn Văn Thuật (ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) thì cây bưởi da xanh đem lại thu nhập tốt hơn cả. Bởi quả bưởi phù hợp với đất đá sỏi ở địa phương, có đầu ra, giá cả ổn định và không mất nhiều công chăm sóc.

Năm 2012, khi giá tiêu ở mức gần 200 ngàn đồng/kg, các nhà vườn nhiều nơi trong huyện Trảng Bom ồ ạt chặt các loại cây trong vườn, thậm chí thuê mướn đất để trồng “vàng đen” thì ông Thuật đã bắt tay trồng bưởi da xanh xen vào 1,2 hécta tiêu. “Tôi làm nông mấy chục năm nên có chút kinh nghiệm. Khi giá cả nông sản ở đỉnh điểm, nông dân đang “nóng” việc chạy theo một loại cây nào thì vài năm sau sẽ là giai đoạn khủng hoảng thừa của mặt hàng đó. Tôi trồng xen bưởi vào để đề phòng tiêu rớt giá” - ông Thuật nhớ lại.

Đúng như dự đoán của ông Thuật, khi giá tiêu bắt đầu giảm, ông mạnh dạn cưa bỏ tiêu cho bưởi phát triển. Tính đến nay, vườn bưởi của ông đã bước sang năm thu hoạch thứ 4 với năng suất đạt 25 tấn quả/hécta, sau khi trừ chi phí, ông lời khoảng 400 triệu đồng/hécta/năm.

Cũng chọn bưởi da xanh là cây trồng thay thế, ông Nguyễn Văn Liền (ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết, đầu ra của quả bưởi khá ổn định. Trong trường hợp các nơi rộ vụ, có thể kéo thời gian thu hoạch tại vườn đến 1 tháng, sau đó bảo quản trong mát được khoảng 1 tháng nữa nên không quá lo lắng về yếu tố mùa vụ như các loại quả khác.

Điểm nổi bật trong mô hình trồng cây bưởi của ông Liền là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho cây bưởi. Đặc biệt, chủ vườn không phun thuốc “xử lý” quả trái vụ mà thực hiện cắt tỉa cành, điều chỉnh bón phân và tưới nước để cây trổ bông, thu hoạch đúng dịp; năng suất cao, mẫu mã đẹp mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, kéo dài tuổi thọ của cây. Phương pháp này không phải nhà vườn nào cũng làm được.

Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, các nhà vườn ở xã Bàu Hàm còn chủ động làm bưởi “sạch” để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; thành lập hợp tác xã bưởi và vận động người dân cùng tuân thủ quy trình trồng và chăm sóc để xây dựng thương hiệu riêng cho bưởi da xanh Trảng Bom. Hiện tại, đầu ra của bưởi da xanh ở đây tương đối ổn định.


Tìm “tên” cho bưởi da xanh Trảng Bom


Tại huyện Trảng Bom, mô hình chuyển đổi vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh đang được nông dân các xã Bàu Hàm, Sông Thao, Cây Gáo hưởng ứng và đem lại hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần cây trồng cũ. Trong đó, ông Lầu Sy Sương (ấp Tân Việt, xã Bàu Hàm) được xem là người thực hiện mô hình đạt hiệu quả nhất với gần 30 hécta bưởi VietGAP, trong đó tại xã Bàu Hàm có 10 hécta.

Ông Sương vốn là kỹ sư công nghệ thông tin, nghỉ việc về quê làm vườn. Sẵn có kiến thức, kinh nghiệm, ông lên mạng tìm các mô hình hay, cách làm hiệu quả áp dụng cho vườn bưởi của gia đình. Nhờ đó, trái bưởi da xanh ông làm ra có chất lượng và màu sắc đẹp hơn nhiều vườn khác, được thương lái trong và ngoài vùng đến đặt hàng.

“Một số vườn bưởi để cây ra bông tự nhiên, một số thì xử lý để cây cho thu hoạch thành các đợt trong năm, riêng tôi cũng áp dụng kỹ thuật tạo mầm bông kết hợp bón phân hữu cơ, tưới nước để cây ra hoa đều quanh năm” - ông Sương nói và cho rằng, làm nông nghiệp nói chung và làm vườn nói riêng, muốn thành công là phải kiên trì. Đơn giản vì sản xuất nông nghiệp không thể cho sản phẩm ngay. Đặc biệt, muốn sản phẩm có tính cạnh tranh và nâng cao giá trị thì phải hướng đến sản xuất sạch và theo tiêu chuẩn cao.

Điều ông Sương và các thành viên ở Hợp tác xã bưởi Trường Phát trăn trở là bưởi da xanh trồng tại xã Bàu Hàm hiện có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị trong nước, một số được tuyển chọn xuất khẩu, tuy nhiên lại mang nhãn mác tên của một đơn vị khác. “Chúng tôi là hợp tác xã mới, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền về kho bãi, trụ sở, giấy tờ pháp lý để sản phẩm sạch, chất lượng tốt không bị đánh đồng với hàng chợ” - ông Sương cho hay.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm Nguyễn Văn Thuật cho rằng, hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh đang phát triển mạnh bưởi da xanh. Nếu không theo quy hoạch cây trồng và đầu tư cho chất lượng, thì rất có thể không lâu sau quả bưởi lại rơi vào vòng xoáy “được mùa mất giá”, “mất mùa lỗ vốn”. “Chính quyền, nông dân, doanh nghiệp phải cùng vào cuộc thì sản phẩm VietGAP, GlobalGAP mới vững bền. Không nên hô hào làm VietGAP nhưng lại thiếu sự tính toán về đầu ra.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây