Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã: Cơ hội và thách thức

Thứ ba - 15/10/2019 04:02
Kinh tế hợp tác, hợp tác xã được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, hiện đang đóng góp 10% GDP của cả nước và đặc biệt có vai trò quan trọng trong mục tiêu kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường.
Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã: Cơ hội và thách thức

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã đóng góp 10% GDP

 
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 14/10/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc quán triệt Nghị quyết đã được triển khai sâu rộng, công tác thể chế hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các hiệp hội, đoàn thể.
 
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kinh tế hợp tác, hợp tác xã được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, hiện đang đóng góp 10% GDP của cả nước và đặc biệt có vai trò quan trọng trong mục tiêu kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường.
 
Theo đó, tính đến 9/2019, cả nước có 23.905 hợp tác xã (HTX) tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó 22.649 HTX đang hoạt động, 1.256 ngừng hoạt động; số HTX đang hoạt động được phân loại như sau: nông - lâm - ngư - diêm nghiệp thủy sản: 14.379 HTX, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 1.923 HTX, thương mại: 1.944 HTX, vận tải và dịch vụ vận tải: 1.375 HTX, xây dựng - sản xuất vật liệu xây dựng: 852 HTX, môi trường: 483 HTX, quỹ tín dụng nhân dân: 1.180 Quỹ, dịch vụ (y tế, nhà ở, giáo dục, du lịch sinh thái...) 454 HTX.
 
images2373861 1

Tổng vốn điều lệ của các HTX là 32 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi HTX là 1,3 tỷ đồng/HTX; tổng tài sản 171 nghìn tỷ đồng, bình quân 7,7 tỷ đồng/HTX, trong đó Quỹ tín dụng nhân dân đạt trung bình 96 tỷ đồng/Quỹ; doanh thu bình quân HTX 4,2 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân 305 triệu đồng/HTX. Tổng số lao động thường xuyên khoảng 2,5 triệu lao động, với thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 45 triệu đồng/năm/người.
 
Đến tháng 9/2019, cả nước có khoảng 1.500 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp. Các HTX đã giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, thông tin và tiêu thụ sản phẩm… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương.

 
Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể còn chậm

Cũng liên quan đến KTTT, HTX, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, hạn chế. Việc học tập, quán triệt Nghị quyết chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao, còn nặng tính hình thức, việc sơ kết, tổng kết còn sơ sài, chưa sâu sắc, có biểu hiện thành tích, chưa thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia.
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được Nghị quyết số 13 chỉ rõ, vẫn chưa được khắc phục triệt để, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT còn chậm, chưa xứng với tiềm năng, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó, mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu; việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi, người dân chưa được tuyên truyền, hiểu rõ và tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại.
 
Đưa ra nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, là do các cấp, các ngành còn chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển.
 
Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thống nhất về tinh thần của Nghị quyết, về bản chất tổ chức KTTT. Chưa thấy hết được vai trò, vị trí quan trọng của khu vực KTTT trong nền kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
 
Công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng; môi trường pháp lý chưa thuận lợi cho các chủ thể kinh tế tham gia HTX; cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực cho khu vực KTTT, HTX và kinh tế hộ còn nhiều bất cập; chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX được ban hành nhiều nhưng nguồn lực thiếu nên khó đi vào thực tiễn.
 
“Bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa được quan tâm, kiện toàn theo yêu cầu, thiếu cán bộ chuyên trách về KTTT;cán bộ đa phần là kiêm nhiệm, chưa nắm chắc chuyên môn, thiếu thực tế; công tác tham mưu trong quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế. Còn tồn tại tâm lý ngại đổi mới, chưa mạnh dạn chuyển sang mô hình HTX kiểu mới, trong khi đó HTX kiểu mới chưa thực sự trở thành mô hình phổ biến đủ sức cuốn hút, huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động, chưa thể hiện được tinh thần hợp tác của tổ chức”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Nguồn tin: vnmedia.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây