Hợp tác xã bứt phá nhờ ứng dụng công nghệ cao

Thứ sáu - 06/12/2019 03:14
Việc phát triển các hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh là một hướng đi cần thiết nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của các HTX nông nghiệp.
Hợp tác xã bứt phá nhờ ứng dụng công nghệ cao

Nhiều tín hiệu lạc quan 

Theo tinh thần Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội về xây dựng 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020, UBND TPHCM thực hiện triển khai phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao.

Trong đó, có trên 30% HTX ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp; còn lại là các HTX ứng dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản. Qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã có nhiều HTX công nghệ cao phát triển hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người dân địa phương.
 
480 vs

Điển hình là mô hình HTX hoa lan Huyền Thoại (Củ Chi, TPHCM), đầu tư xây dựng vườn lan theo hình thức nhà lưới và hệ thống tưới phun sương. Ở mỗi khu vườn trồng lan sẽ được trang bị một máy bơm nước tưới, toàn bộ diện tích vườn lan đều được phủ kín lưới nhằm che nắng, tránh gió cho những luống lan trồng trên giá thể. Đây là mô hình trồng hoa lan của HTX được xem là mô hình nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu trong lĩnh vực hoa kiểng của thành phố đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp đô thị của thành phố.

HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (quận 9, TPHCM) cũng là một trong những mô hình HTX công nghệ cao đầu tư các thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất. Hiện nay, sản lượng tiêu thụ trung bình khoảng 600 kg rau ăn lá/ngày, với số lượng lớn nhưng vẫn chưa đủ nhu cầu đối tác của thị trường. HTX đầu tư đồng bộ từ các thiết bị nhà kính đến hệ thống thủy canh, đúng với tiêu chuẩn công nghệ Israel, hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động giúp cho quy trình chăm sóc cây được đảm bảo đầy đủ từ chất dinh dưỡng đến điều kiện phát triển tốt nhất.

Giống như TPHCM, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc là một mô hình về phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả khá tích cực.

Cuối năm 2018, hợp tác xã bắt đầu ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử vào sản xuất. Nhờ ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử trên máy tính hoặc trên điện thoại thông minh mà giờ đây hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã trở nên khoa học, thuận lợi hơn trước. Thành viên hợp tác xã không còn phải lo ghi chép nhật ký sản xuất bằng tay, bởi chỉ cần tra cứu trên điện thoại là tất cả quy trình sản xuất, tiêu thụ đều được hiển thị. Bên cạnh đó, không chỉ việc quản lý vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và việc giám sát quy trình sản xuất của từng thành viên cũng thuận lợi hơn. Nhờ phần mềm này mà sản lượng rau của hợp tác xã tăng hơn từ 5 - 10% so với trước đây.
 
203405 134224 thai nguyen chu trong phat trien nong nghiep theo huong huu co
Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mới được thành lập vào tháng 6/2018 nhưng Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Thành Lợi, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã tìm được hướng đi ổn định cho nông sản của hợp tác xã nhờ vừa áp dụng quy trình VietGAP, vừa đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để đảm bảo tiêu chuẩn. Việc canh tác rau màu theo quy trình VietGAP trong nhà lưới giúp tránh được sâu bệnh, năng suất và chất lượng rau đạt cao hơn so với bên ngoài. Nhờ đó, rau màu của hợp tác xã được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn so với giá thị trường.
 
hatran
Thu hoạch rau an toàn.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp được triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ liên kết, nông dân được tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, đầu ra ổn định, thu nhập từng bước được nâng lên. Một số hợp tác xã thực hiện tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật tạo điều kiện cho thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập như: Hợp tác xã Rau an toàn ViSa; Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh; Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc…


Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ


Để áp dụng công nghệ cao và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh thì quan trọng nhất là yếu tố con người. Nhưng giữ chân nhân lực trình độ cao luôn là một bài toán hóc búa đối với hợp tác xã. Theo Liên minh hợp tác xã TPHCM, cán bộ quản lý HTX nông nghiệp trên địa bàn TPHCM đã qua đào tạo đạt tỷ lệ thấp, khoảng 46%. Ngoài ra, trên 60% chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc HTX đã hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, nhân lực của HTX nông nghiệp trên địa bàn TPHCM đạt trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 25,5%. Do trình độ thấp, độ tuổi cao nên đội ngũ này thiếu nhạy bén, khó tổ chức xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cho HTX, khó nắm bắt kịp cơ chế thị trường…
Mặc dù thiếu nguồn nhân lực chất lượng, nhưng do chế độ đãi ngộ thấp, điều kiện làm việc khó khăn, nhiều HTX khó thu hút nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao. 
 
480 nhan luc ln

Để gỡ khó cho các HTX, các nhà quản lý, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển HTX. Trong đó, cần tăng cường các khóa tập huấn, đào tạo kiến thức về quản lý HTX, kiến thức sản xuất kinh doanh cho cán bộ, thành viên HTX; đào tạo và phát triển đội ngũ tư vấn phát triển HTX bao gồm các chuyên gia về thể chế, quản lý tài chính, chuyên gia về khoa học và công nghệ để giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX. Triển khai có hiệu quả chương trình thí điểm thu hút cán bộ có chuyên môn đã qua đào tạo trình độ từ cao đẳng trở lên về làm việc cho các HTX nông nghiệp theo chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020.

Giải pháp khác là xây dựng các đề án, dự án đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX trong và ngoài nước, phối hợp các tổ chức quốc tế tại Việt Nam xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu gắn với nâng cao năng lực hoạt động các mô hình HTX.

Bên cạnh đó, HTX cần mở rộng liên kết các HTX trên địa bàn; tiếp nhận sự hỗ trợ từ sinh viên du học trở về… Đặt vấn đề về liên kết giữa HTX và các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, HTX cần dành không gian cho các ý tưởng Startup bởi vì HTX sản xuất ở nông thôn - người nắm giữ tư liệu sản xuất rất giống nhau (phụ thuộc hóa chất, cùng loại giống, ở quá lâu trong vùng thu nhập thấp và ý tưởng đang cạn dần…).

Trong khi Startup đang háo hức với ý tưởng mới, khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo coi trọng sản phẩm có giá trị khác biệt, ứng dụng công nghệ tối tân, có nhiều kỹ năng thích ứng thị trường chuyển đổi, nhưng thiếu môi trường ứng dụng.

Do đó HTX và người khởi nghiệp cần quan hệ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phân tích kinh tế trước nhiều phương án mới.

TPHCM: Giải pháp giúp hợp tác xã giữ chân nhân lực trình độ cao
Vĩnh Long: Tìm hướng gỡ khó cho hợp tác xã
Vĩnh Phúc hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao
TPHCM: Phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây