Năm 2019, giá cả thị trường giống, vật tư, phí vận chuyển, công lao động luôn biến động tăng, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất nông sản, thực phẩm nên công tác khuyến nông cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp để đưa sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh tiếp tục phát triển, đáp ứng được kỳ vọng của các cấp lãnh đạo, người dân và các HTX trên địa bàn.
Những mô hình tiêu biểu
Nằm trên địa bàn xã Thanh Lãng (Bình Xuyên, Vĩnh phúc), HTX thương mại dịch vụ rau an toàn Ba Cây chuyên sản xuất nhiều loại rau củ quả như khoai tây, su hào, bắp cải, bí đỏ... theo phương pháp an toàn; nông sản được thương lái và doanh nghiệp đặt hàng tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết: HTX thuê cố định 4ha đất của nhân dân trong vùng để sản xuất rau, củ, quả quanh năm. Vụ đông này, HTX còn thuê thêm khoảng 20ha đất của người dân không canh tác với giá 50.000 đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) để mở rộng diện tích trồng cây khoai tây theo đề án của tỉnh.
Năm 2019, doanh thu của HTX ước đạt 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 12 lao động thường xuyên với thu nhập 3,6 triệu đồng/người /tháng. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của khuyến nông tỉnh, năm 2019, HTX tiến hành trồng khoai tây; khoai tây hiện sinh trưởng, phát triển khá tốt, củ to nhưng thân lá vẫn còn xanh, báo hiệu một mùa bội thu.
Đi theo hướng riêng, HTX nông nghiệp An Phước (ấp Tân Thinh, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương) đa phần sản xuất rau trong nhà lưới. Việc trồng rau trong nhà lưới tạo điều kiện cho HTX chủ động được kế hoạch sản xuất mà không lệ thuộc vào thời tiết. Đặc biệt, mô hình nhà lưới của HTX có chi phí xây dựng khá thấp, khoảng 100 triệu đồng/ha. Với 4ha đất thuê và mua, rau vừa sản xuất trong nhà lưới, vừa sản xuất ngoài trời đã mang lại nguồn thu 320-400 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
“Có được thành công bước đầu như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ rất lớn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, nhất là trong việc tìm địa điểm thuê đất sản xuất, tư vấn một số công việc liên quan”, bà Trần Thị Lan, quản lý HTX nông nghiệp An Phước nói.
Kết nối tiêu thụ sản phẩm
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thì công tác xúc tiến thương mại cũng được Trung tâm chú trọng triển khai. Năm 2019, Trung tâm đã tham gia triển lãm Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với 02 gian hàng tại trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, trung tâm còn tham gia một số triển lãm, hội chợ ngoài tỉnh như: Hội chợ triển lãm nông nghiệp Quốc tế lần thứ 19 (AgroViet2019) tại Hà Nội, Hội chợ nông nghiệp OCOP khu vực phía Bắc năm 2019 tại Hòa Bình.
“Ngoài ra, chúng tôi còn kêu gọi, kết nối, phối hợp với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ một số nông sản mới được đưa vào sản xuất theo dự án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, giúp nông dân, HTX có thêm niềm tin vào sự chỉ đạo và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà,” ông Dương cho biết thêm.