Chợ Tết Xưa có tên gọi "CAMAN" diễn ra từ ngày 04/02 với khoảng 30 gian hàng, tái hiện lại khung cảnh chợ Tết Hội An thời xưa qua cách bài trí không gian chợ, vật phẩm trang trí và các quầy ẩm thực, phương thức giao thương… Các gian hang tại "khu chợ" này được bày bán trong các nhà chòi hoặc quang gánh với không gian được bày trí đúng với một khu chợ truyền thống.
Không chỉ tái hiện lại một cách sinh động phiên chợ những ngày Tết thời xưa, điều tạo ra sự đặc biệt ở phiên chợ Tết Xưa này chính là việc sử dụng đồng tiền xu làm phương thức thanh toán cho mọi hoạt động. Đồng thời, ban tổ chức cũng khuyến khích người tham gia phiên chợ mặc áo dài và trao nhau những chiếc phong bao lì xì ngũ sắc đầy may mắn theo đúng với tập tục của người Việt xưa.
Ngoài ra, phiên chợ này cũng được tổ chức với phương châm hoàn toàn không sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa cho các vật phẩm. Mà thay vào đó các gian hàng sẽ sử dụng các vật dụng thân thiện môi trường như túi giấy, lá chuối, lá tếch… để chưa và đóng gói sản phẩm.
Theo ông Trần Thế Do – Chủ đầu tư dự án chợ Tết xưa phiên chợ được tổ chức nhằm gợi nhớ hình ảnh Hội An một thời hưng thịnh, tạo ra nơi vui chơi cho khách du lịch. Từ đó, phiên chợ sẽ tạo thêm một điểm đến mới lạ, ấn tượng khi khách du lịch đến với Hội An trong những ngày trước và trong Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
"Chúng tôi muốn làm một khu chợ để gợi nhớ hình ảnh Hội An một thời hưng thịnh, tạo ra nơi vui chơi cho khách du lịch, từ đó hâm nóng lại bầu không khí. Đây là một sự thay đổi vượt bậc nhằm thay đổi ngành kinh tế du lịch trong thời gian tới." Ông Trần Thế Do cho biết.
Ngoài các hoạt động buôn bán các sản phẩm đặc trưng ngày Tết truyền thống, phiên chợ này cũng sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, giải trí để tạo thêm không khí vui tươi khi du khách đến đây. Đồng thời, tại phiên chợ cũng có rạp chiếu các bộ phim về Hội An hưng thịnh, các khu triển lãm ảnh màu nước, ca nhạc để truyền tải thêm thông tin đến cho khách du lịch.
Thêm một điểm đặc của phiên chợ Tết xưa này chính là sự góp mặt của rất nhiều mặt hàng “handmade”. Các sản phẩm này được làm từ chính nguyên liệu tại địa phương, các đặc sản của Hội An tạo nên một “thị trường” hàng hóa hết sức đa dạng, phong phú rất thích hợp đối với khách nội địa.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết trong thời điểm khó khăn này, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện và cùng tham gia đồng hành với chính quyền địa phương. Theo ông Lanh, hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng thành phố khôi phục ngành du lịch. Cùng với sự nổ lực của doanh nghiệp, phía cơ quan chức năng cũng luôn luôn nổ lực, mong muốn đưa ngành du lịch Hội An khởi sắc trở lại sau những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh.
"Sự nổ lực, tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động kích cầu du lịch rất quan trọng đối với ngành du lịch thành phố. Các doanh nghiệp địa phương là những chủ thể tích cực, góp phần cùng thành phố trong các hoạt động phục hồi du lịch, cùng mang đến những ý tưởng, truyền tải thông điệp về điểm đến Hội An an toàn, hấp dẫn. Để rồi từ đó chung tay đưa Hội An trở lại như trước, luôn sôi động và nhộn nhịp." Ông Nguyễn Văn Lanh thông tin.
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023