Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay tại các trung tâm thương mại chuyên cung cấp các mặt hàng thiết yếu như Siêu thị Big C Huế, siêu thị Coop Mart Huế, chợ Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc, Bến Ngự... và các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ khác đều có lượng hàng dự trữ và xuất bán ổn định.
Theo khảo sát của phóng viên, sáng ngày 13/5 giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ổn định, cụ thể: khẩu trang y tế (loại 50 cái/hộp) có giá từ 30 – 50 ngàn/hộp; dung dịch rửa tay sát khuẩn (loại 500ml) có giá bán từ 70-90 ngàn đồng/chai; gạo (Khang Dân, Tài Nguyên…) có giá từ 16 – 18 ngàn đồng/kg; mì ăn liền có giá trung bình 98 ngàn đồng/thùng (loại 30 gói/thùng), rau củ quả, thịt lợn... giá không tăng, lượng hàng dồi dào…
Ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi tỉnh có chủ trương giãn cách xã hội một số địa điểm tại huyện Phong Điền và Phú Lộc, Sở Công Thương trực tiếp chỉ đạo các Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện về công tác cung ứng hàng hóa cho người dân và Sở cũng đã làm việc với các siêu thị, các đơn vị kinh doanh hàng hóa lớn trên địa bàn. Qua báo cáo của huyện Phong Điền và Phú Lộc thì nguồn dự trữ trong dân và tại các điểm bán lẻ tại các chợ trên địa bàn đã bảo đảm từ 6-8 ngày. Tuy vậy, Sở phối hợp với các địa phương xây dựng phương án cung ứng hàng hóa dài hơi hơn bởi thực hiện giãn cách phòng dịch Covid-19 phải trên 20 ngày.
“Qua theo dõi, chúng tôi khẳng định hiện nay nguồn hàng phục vụ cho dân cũng như sinh hoạt xã hội rất đầy đủ và dồi dào, giá cả những ngày qua ổn định, sức mua tại các siêu thị trung tâm thương mại có tăng nhưng không đáng kể", ông Thanh cho biết thêm.
Theo Giám đốc Sở Công Thương, hàng hóa rất nhiều, nhưng vấn đề là cách tổ chức cung ứng và bán cho người dân như thế nào để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, phương án cung ứng hàng hóa đủ, kịp thời từ 6-8 ngày, thì Sở và các địa phương thống nhất, trong đó tận dụng các điểm bán lẻ, chợ tại địa phương làm những điểm cung ứng hàng hóa. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tính đến phương án giãn cách diện rộng, từ 3-4 địa phương, thậm chí phải tính đến phương án giản cách toàn tỉnh. Vấn đề này Sở đã làm việc với các siêu thị, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa lớn để có kế hoạch dự trữ và họ đã sẵn sàng cung ứng, đảm bảo chất lượng hàng hóa và bình ổn về giá, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đối với các đơn vị đưa hàng về cho dân.
“Chúng tôi cũng đã tính đến phương án lâu dài hơn đó là trường hợp nhiều địa phương lân cận tỉnh Thừa Thiên Huế bị giãn cách, vấn đề này Sở cũng đã đặt vấn đề cung ứng hàng hóa với các Sở Công thương trên cả nước mà lâu nay chúng tôi liên kết với nhau; cũng như của các tập đoàn cung ứng hàng hóa lớn Coo.op mart, Big C, họ sẽ cung cấp ngay khi có yêu cầu. Qua báo cáo thì các đơn vị này cũng đã sẵn sàng cung ứng. Chúng tôi khẳng định hàng hóa để cung ứng là không thiếu và giá cả sẽ không đột biến”.ông Thanh thông tin thêm.
Bà Phạm Thị Thu Trang – Giám đốc Big C Huế cho biết, những ngày qua sức mua tại hệ thống siêu thị Big C Huế không tăng, thậm chí giảm so với bình thường. Lý giải điều này, theo bà Trang là do người dân ngại đi ra ngoài và người dân không còn lo sợ thiếu hàng mà đi mua ồ ạt để tích trữ lương thực như các đợt dịch trước. “Hiện nay, hàng hóa tại siêu thị rất dồi dào và phong phú, đối với các mặt hàng để phòng chống dịch Covid-19 như nước sát khuẩn, khẩu trang… thì chúng tôi đã chuẩn bị số lượng hàng từ 2 đến 4 tháng và luôn bình ổn giá”, bà Trang cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trà - Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba cho biết, đợt dịch lần này người dân không còn đổ xô đi mua lương thực thực phẩm tích trữ như trước đây, hiện hàng hóa tại chợ dồi dào, giá cả ổn định. “ Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch tại chợ Đông Ba đang thực hiện chặt chẽ với việc thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt, quét mã QR, dùng nước sát khuẩn… cho những người vào chợ”, bà Trà cho biết thêm.
Ông Phan Hùng Sơn – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thừa Thiên Huế cho biết, những ngày qua hoạt động mua bán hàng hóa trên địa bàn diễn ra bình thường, sức mua hàng hóa không tăng cao như các thời điểm xảy ra dịch bệnh trước, giá bán không có biến động lớn, nguồn cung hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
“Hiện nay các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để đầu cơ, găm hàng, mua găm hàng hóa, lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm trang thiết bị, vật tư y tế, dược phẩm… Chúng tôi đã tổ chức cho gần 100 cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn,...ký cam kết, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động kinh doanh”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tính đến ngày 13/5 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 439 đối tượng F1, 845 là F2, 7.534 là F3; từ ngày 29/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 3.972 mẫu; đã tiêm 8.405 người là các đối tượng ưu tiên: cán bộ y tế, cán bộ khu cách ly, cán bộ nhân viên tại các cảng, cửa khẩu ...
Nguồn tin: Báo Công thương:
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023