Đó chính là danh xưng cho thương hiệu du lịch được UBND tỉnh Phú Yên thống nhất thông qua đã từ lâu. Bằng việc xác định rõ thương hiệu du lịch và xem đây là “vệ tinh” cho sự phát triển, những năm gần đây, ngành du lịch của tỉnh Phú Yên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Sở hữu nhiều cảnh quan di tích độc đáo, lại có bờ biển dài, Phú Yên đang vươn mình trở thành điểm đến đầy hấp dẫn tại vùng duyên hải miền Trung. Ở đó, du khách sẽ được cảm nhận sự thân thiện trong cốt cách và đời sống của người dân xứ này.
Xây dựng thương hiệu du lịch ” Phú Yên- điểm đến hấp dẫn và thân thiện”
Những năm gần đây, Phú Yên nổi lên là điểm đến đầy hấp dẫn và thân thiện trong mắt khách du lịch. Không chỉ nổi tiếng sở hữu hơn 20 thắng cảnh độc đáo, như: Gành Đá Đĩa, Vịnh Xuân Đài, Bãi Xếp,... mà Phú Yên đã thật sự vang “tiếng thơm” khắp cả nước từ sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Xác định được nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành nhiều quyết sách “mạnh” nhằm mục đích "làm tất cả” để phát triển du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên- điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.
Như là, lập quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng; lập quy hoạch khu du lịch Quốc gia Vịnh Xuân Đài; quy hoạch đầu tư khu vực Bãi Môn, Bãi Diện, Vũng Rô,… Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh truyền thông, marketing du lịch, ban hành các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch…
Nhờ vào sự chuẩn bị bài bản và có bước đi táo bạo, du lịch Phú Yên đã phát triển khởi sắc với những thành công bước đầu. Năm 2018, Phú Yên đón hơn 1,6 triệu lượt khách, tăng 14,6 % so với năm 2017. Trong đó, hơn 41 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 15,5% so với năm 2017.
Không tự mãn với thành công, địa phương tiếp tục đón lấy thời cơ từ Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, nhằm phát triển và sớm đưa ngành du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục đích này, địa phương đã xác định rõ các mục tiêu cần quan tâm đầu tư, xây dựng, theo từng mức độ ưu tiên khác nhau. Xếp ở vị trí quan trọng, sẽ không quên khi kể đến việc quy hoạch, phát triển để đưa Vịnh Xuân Đài sớm trở thành khu du lịch Quốc gia.
Vịnh Xuân Đài sẽ phát triển như thế nào trong 5 năm tới?
Vịnh Xuân Đài đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể khu du lịch Quốc gia Vịnh Xuân Đài đến năm 2030.
Trong đó xác định rõ, đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, điểm vui chơi giải trí của tỉnh và vùng duyên hải miền Trung. Hình thành mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác trong vùng, như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và Tây Nguyên. Đến năm 2030, khu du lịch Vịnh Xuân Đài sẽ cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành khu du lịch Quốc gia.
Cụ thể, đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài sẽ đón trên 850 nghìn lượt khách, trong đó có 25 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 400 tỷ đồng; với hơn 500 buồng lưu trú; tạo việc làm cho hơn 2.500 lao động, khoảng 1.000 lao động trực tiếp.
Đến năm 2030, Vịnh Xuân Đài đón 1,2 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 35 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu ướt đạt 900 tỷ đồng; với hơn 950 buồng lưu trú; giải quyết việc làm cho 4.000 lao động, với hơn 1.500 lao động trực tiếp.
Đặc biệt, tại Vịnh Xuân Đài sẽ có nhiều sản phẩm du lịch chủ đạo như, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tham quan, trải nghiệm trên vịnh; thể thao, vui chơi giải trí; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch gắn với ẩm thực. Và các sản phẩm du lịch bổ trợ như, du lịch cộng đồng; du lịch gắn với sự kiện, lễ hội, văn hóa truyền thống; du lịch thương mại, công vụ; du lịch mua sắm đặc sản, hàng lưu niệm.
Để đạt được các kết quả như Quyết định của Chính phủ đã phê duyệt, cần thiết phải thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch; cơ chế, chính sách về thuế; cơ chế, chính sách đầu tư, huy động vốn đầu tư; chính sách phát triển du lịch cộng đồng; phát triển hạ tầng du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường du lịch….
Trong đó, về phát triển hạ tầng du lịch, tập trung đầu tư các dự án như, xây dựng mới 5 bến thuyền du lịch; nâng cấp, mở rộng tuyến đường huyện 31 tại cầu Ông Cọp; tuyến đường vào bãi biển phía nam Gành Đá Đĩa; tuyến đường nối quốc lộ 1A đến Vũng La; tuyến đường ven Vịnh Xuân Đài; tuyến đường ven bãi biển Từ Nham; tuyến đường từ khu du lịch bắc Âu đến khu di tích Gành Đá Đĩa,…
Nhằm đi trước đón đầu, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lấy Vịnh Xuân Đài làm trung tâm và xác định đây là vùng đất nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Sông Cầu.