Bà Tôn Thu Trang - Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương Hà Tĩnh - cho biết: Theo ghi nhận tại TP. Hà Tĩnh, sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội các hệ thống bán lẻ, trang thương mại điện tử ghi nhận lượng đơn hàng đặt online tăng đột biến lên đến 60% so với trước đây, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu thực phẩm, hàng tiêu dùng...
Đại diện siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh bà Phạm Thị Hiệp Định cho biết, lượng đơn hàng online tăng cao khoảng 50-60% kể từ khi có dịch. Nhất là sau khi TP. Hà Tĩnh thực hiện giãn cách ngày 8/9, lượng đơn hàng đặt mua tăng hơn 100%, dẫn đến ứng dụng nhiều khi qua tải bị nghẽn mạng, đội ngũ giao hàng bị kẹt về nhân sự không kịp giao hàng cho khách, nhất là vùng bị phong toả nên đành hẹn khách hàng ngày hôm sau.
"Siêu thị đã xây dựng kế hoạch bài bản, lượng hàng trong kho được tăng lên và về liên tục; đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là đối với các mặt hàng như: hàng lương thực thực phẩm, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn,… Siêu thị cũng thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch theo quy định như: tất cả người ra vào đều phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, ghi danh sách người đến mua sắm, sát khuẩn trong và ngoài siêu thị…", bà Định cho biết thêm.
Tương tự, tại chuỗi bán hàng của Vinmart, lượng hàng hoá mua online được tăng cường liên tục, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn TP. Hà Tĩnh. Dịch bệnh đã thúc đẩy việc mua sắm online phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dân tăng đột biến. Nhu cầu tăng mạnh những ngày qua nhiều nhất là hàng thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng nhanh…
Chị Hoàng Ngà ở TP. Hà Tĩnh - cho biết: “Khi nghe thông tin trên địa bàn tỉnh có 9 ca bệnh cộng đồng, trừ công việc khẩn còn đâu tôi không ra khỏi nhà, mọi nhu cầu thiết yếu về lương thực thực phẩm cho gia đình tôi chuyển sang mua online, vừa tiện, vừa nhanh lại không phải tập trung đông đúc…".
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - cho biết, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... vẫn mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian tỉnh có ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng với nguồn hàng dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân. Các siêu thị, các điểm bán hàng hoá chuyển bán online suốt mùa dịch, vì vậy, người dân không quá lo lắng đổ xô đi mua hàng hóa, tích trữ dẫn đến hiện tượng chen chúc, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Theo ông Quảng, trước đó, Sở Công Thương đã kích hoạt hệ thống chuỗi cung ứng hàng hóa trong bối cảnh phòng chống dịch. Các hệ thống bán lẻ, đơn vị tham gia chương trình bình ổn hàng hóa của tỉnh Hà Tĩnh được yêu cầu chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng phục vụ người dân với nguồn hàng thích ứng từng kịch bản chống dịch khác nhau, trong đó có tính đến giãn cách xã hội. Hiện nay lượng hàng hóa từ tỉnh về các tuyến huyện vẫn thông suốt, duy trì ổn định, nguồn hàng dồi dào nên giá cả có xu hướng tăng nhẹ. Do đó, người dân được khuyến khích mua sắm cân đối với nhu cầu, tránh lãng phí vì nhiều mặt hàng không bảo quản được lâu.
Bà Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc Co.opmart Hà Tĩnh - cho biết thêm, với nguồn hàng dồi dào và ổn định trong thời gian dài, khách hàng hoàn toàn yên tâm mua sắm. Không những vậy, hiện Co.opmart đang có nhiều chương trình hỗ trợ nông sản đang vào mùa nên giá cả rất tốt, nhất là vừa qua đơn vị cũng tham gia cùng lực lượng QLTT Hà Tĩnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
"Điều chúng tôi lưu ý khách hàng lúc này là nếu qua siêu thị mua sắm phải tuân thủ các quy định 5K, phòng chống dịch. Siêu thị sau ngày giãn cách sẽ mở cửa từ 8h sáng cho đến 18h hàng ngày vì không đủ nhân viên để giao hàng, phục vụ tối đa nhu cầu của khách", bà Định cho biết.
Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh có 11 đơn vị được giao nhiệm vụ tham gia dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị đã dự trữ đủ nguồn hàng, không để xảy ra hiện tượng thiếu thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống. Vì vậy, người dân nên giữ tâm lý bình tĩnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chung tay cùng các lực lượng chức năng đẩy lùi dịch bệnh… Sở Công Thương cùng lực lượng QLTT luôn bám sát tình hình thị trường và nhu cầu tiêu dùng, trực tiếp kiểm tra, theo dõi nguồn cung của các doanh nghiệp phân phối, cửa hàng bán lẻ, chợ trên địa bàn đối với các mặt hàng thiết yếu; triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa.
Sở Công Thương tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, nâng giá hoặc đầu cơ tăng giá gây “sốt” hàng và có phương án điều tiết nguồn hàng đảm bảo phân bổ đủ cung ứng phục vụ người dân.
Hoàng Trinh
Nguồn tin: baohatinh.vn; congthuong.vn
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023