Cửa hàng của chị Nguyễn Thị Bé, tại lô 25, MB 1626, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) là cửa hàng đầu tiên trên địa bàn tỉnh chuyên giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP. Hiện nay, cửa hàng bày bán khoảng 50/69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Chị Bé, cho biết: Tháng 1-2020, cửa hàng được thành lập với tổng số vốn khoảng 80 triệu đồng. Ban đầu, người tiêu dùng chưa biết đến chương trình và sản phẩm OCOP nên việc tiêu thụ khá khó khăn. Hầu hết những sản phẩm tươi, như: rau, quả đều không tiêu thụ được. Tuy nhiên, khi tỉnh Thanh Hóa thực hiện tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm OCOP rộng rãi thì sức tiêu thụ tăng lên. Nhất là từ tháng 11-2020, UBND tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng biển hiệu cửa hàng thì người tiêu dùng đã tìm đến mua những sản phẩm tại cửa hàng nhiều hơn. Đến thời điểm hiện tại, cửa hàng không chỉ tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa, mà còn bày bán khoảng 20 sản phẩm OCOP của các tỉnh khác, như: miến dong Bắc Kạn, cà gai leo Hòa Bình... Đồng thời, cửa hàng trở thành điểm bán buôn số lượng lớn sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa ra các tỉnh bạn. Vì vậy, doanh thu đạt khoảng 120 - 150 triệu đồng/tháng, cao điểm, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng/tháng.
Quan sát thực tế tại cửa hàng, chúng tôi nhận thấy, các sản phẩm được bày bán đều là sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh, thành phố khác. Các sản phẩm đều được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có thể tìm hiểu kỹ hơn về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, thông qua hoạt động bán hàng, người tiêu dùng có thể tìm kiếm, nắm bắt được những địa chỉ sản xuất sản phẩm uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và lan tỏa mạnh hơn việc sử dụng, tiêu dùng sản phẩm OCOP - sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của tỉnh.
Được biết, để hỗ trợ sản phẩm OCOP bắt nhịp với thị trường, đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai hỗ trợ xây dựng 7 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, có 5 điểm tại TP Thanh Hóa, 1 điểm tại thị trấn Nga Sơn và 1 điểm tại thị xã Nghi Sơn, với tổng kinh phí hỗ trợ 350 triệu đồng. Thông qua các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, người tiêu dùng được lựa chọn những sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng, đại diện cho những sản phẩm ưu thế của địa phương. Chị Lê Thị Xuân, TP Thanh Hóa, cho biết: Lâu nay gia đình vẫn sử dụng một số loại sản phẩm gạo, miến gạo, bánh gai... truyền thống. Song, không nhận biết được đâu là sản phẩm của cơ sở sản xuất được cơ quan chuyên môn công nhận. Thông qua các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao. Hiện tại, gia đình đã chuyển sang sử dụng sản phẩm gạo của Công ty CP Sao Khuê, trứng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, một số sản phẩm rau của các cơ sở uy tín...
Hiệu quả và sức lan tỏa của các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được chứng minh qua những kết nối giữa người tiêu dùng với đơn vị sản xuất và khối lượng sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ tại các cửa hàng. Vì vậy, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện cũng đang đẩy mạnh việc triển khai xây dựng các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP kết hợp với các sản phẩm nông nghiệp khác. Tiêu biểu như các huyện Nông Cống, Yên Định, Hoằng Hóa..., dự kiến triển khai xây dựng mỗi huyện 1 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hiệu quả vượt trội của những gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đã được khẳng định. Ở giai đoạn đầu, khi người tiêu dùng chưa biết nhiều về chương trình và hệ thống, giá trị của sản phẩm OCOP thì các cửa hàng làm nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng. Khi chương trình đã triển khai sâu rộng trong Nhân dân, các cửa hàng chính là điểm cung cấp, giao lưu các sản phẩm OCOP vùng miền, hỗ trợ người tiêu dùng nhận diện và thẩm định, đánh giá chất lượng sản phẩm, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm OCOP.
Để nâng cao sức tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn 2021-2025, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh sẽ khuyến khích, lồng ghép kinh phí để hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân.
Nguồn tin: Tổng hợp, BaoThanhHoa,vn
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023