Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên “Tự hào hàng Việt Nam” là một trong các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020; và là một trong bốn hoạt động trọng tâm, trọng điểm thuộc các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh diễn ra từ ngày 1-7 đến ngày 31-12-2020 của ngành Công thương. Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Ban chỉ đạo Cuộc vận động cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, song đây cũng là khoảng thời gian chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.
Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm tuy giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019 do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.
“Trong nhiều chỉ số kinh tế, sự tăng trưởng bán lẻ hàng hóa là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam được duy trì vững chắc, được phát huy từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động hơn 10 năm trước đây”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Đồng quan điểm, đại diện Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, ông Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Sau hơn 10 năm triển khai, Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước và hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam duy trì ở mức cao, từ 80% - 95%; tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.
Để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động trong giai đoạn mới, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam là một trong các hoạt động trọng tâm, trọng điểm thuộc các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh năm 2020 của ngành Công Thương.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020 có nhiều điểm mới, với hàng loạt các hoạt động trải nghiệm, tương tác trực tiếp giữa người tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; tương tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối; giữa doanh nghiệp và nhà quản lý. Chương trình sẽ hỗ trợ kết nối các nhóm nhu cầu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam, góp phần nâng cao thị phần của hàng hoá, dịch vụ Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong thực hiện Cuộc vận động, ông Phùng Khánh Tài cho rằng, các kế hoạch hành động của ngành Công Thương đã góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới.
Đồng thời, ông Tài cũng đánh giá cao sự đóng góp của Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với sự chuyển hướng mạnh mẽ vào các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đơn vị trực tiếp sản xuất, cung ứng các sản phẩm dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng. Thông qua các hoạt động kết nối trực tiếp giữa người tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối; giữa doanh nghiệp và nhà quản lý; Chương trình có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các giải pháp từ huy động vốn, đổi mới công nghệ đến quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa tới đông đảo người tiêu dùng trong nước.
“Những Chương trình cụ thể và ý nghĩa như Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” thực sự truyền cảm hứng cổ vũ và kết nối hàng chục triệu người Việt đến với hàng Việt”, ông Tài khẳng định.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh của hàng Việt trên thị trường nội địa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo và các địa phương trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Bộ sẽ tiếp tục có nhiều chương trình, hoạt động rộng khắp, để tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm Việt, giúp người tiêu dùng biết đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, có chất lượng, các sản phẩm mới, các sản vật vùng miền… trên thị trường Việt Nam, để người tiêu dùng biết đến hàng Việt và tin cậy khi tiêu dùng hàng Việt.
Trong 2 ngày 25 - 26/7, tại Quảng trường Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ diễn ra nhiều hoạt động trải nghiệm, kích cầu hàng Việt; tìm hiểu chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa; trưng bày sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tại không gian Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ với sự góp mặt của nhiều thương hiệu nội địa uy tín: Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - NGK Hà Nội (HABECO), Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (SABECO), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn TH, … và các nhà phân phối lớn như: Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op),…
Nguồn tin: Tổng hợp
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023