Rau củ, thịt cá... khan hàng tăng giá sau ngày chợ đầu mối đóng cửa
Sáng 24/6, người dân đổ xô ra chợ chợ truyền thống và các khu chợ tạm mua hàng lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều sạp, cửa hàng đóng cửa vì lo sợ dịch bệnh nên các quầy còn lại tranh thủ tăng giá, rau, củ, thịt cá từ 10-20%, thậm chí có loại tăng gấp đôi.
Khảo sát tại các chợ Vinh Tân, Quán Lau, chợ Ga, giá cà rốt, khoai tây tăng thêm 10.000 đồng/kg. Rau cải ngọt, xà lách, mồng tơi cũng tăng mức tương tự lên 30.000-45.000 đồng/kg. Thịt lợn, cá, tôm cũng đắt hơn 15.000-20.000 đồng/kg.
Chị Thu Hương, một người dân ở phường Vinh Tân sáng nay ra chợ cho biết, do nhiều quầy đóng cửa nên giá hàng hóa tăng mạnh. "Hôm qua tôi mua rau muống 10.000 đồng một bó thì nay tăng lên 12.000 đồng, các loại củ cũng tăng thêm 10.000 đồng/kg. Đắt nhưng cũng phải mua vì mua chậm sẽ không còn hàng", chị Hương nói.
Không chỉ giá rau củ, thịt cá tại các chợ lẻ tăng giá mạnh mà tại nhiều chợ trong thành phố khu vực chưa bị phong toả cũng "té nước theo mưa".
Chị Lan, bán rau tại chợ Quán Lau (TP. Vinh) cho biết, sáng nay không thể đi chợ đầu mối lấy rau vì hôm qua phong toả nên chỉ lấy ở một vài mối giao hàng nhỏ, giá đắt hơn nên bắt buộc bán ra đắt hơn, hầu hết tăng giá thêm 5.000-10.000 đồng/kg. "Rau củ đều tăng giá nhưng lượng hàng không đủ bán cho khách. Nhiều khách ra hỏi nhưng tôi đã bán hết từ 8h sáng", chị Lan chia sẻ.
Chị Kiều - tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Vinh Tân (TP. Vinh) cho biết, ngày thường phải bán đến chiều tối mới hết hàng, nhưng sáng nay chỉ mới 8h sáng đã hết sạch, buộc chị phải cấp tốc chở thêm thịt, số lượng bán ra gấp đôi ngày thường, và giá nhập đắt nên bắt buộc bán đắt thêm 2, 3 giá…
Sẵn sàng tăng nguồn cung lên gấp 2-3 lần khi cần
Ngày 24/6, ông Trần An Khang - Giám đốc siêu thị BigC Vinh đã chia sẻ: “Siêu thị có sự cam kết lâu dài về nguồn cung và đảm bảo giá cả. Nhưng trong sáng nay, người dân vẫn đến siêu thị không nhiều mặc dù giá cả ổn định và hàng hoá dồi dào. Từ khi có dịch bệnh đơn hàng online qua Zalo và app tổng đài đã tăng lên đến 300% so với thời điểm trước dịch…BigC đã tăng cường phân phối hàng, riêng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò nhập khoảng 3 tạ, gà tươi với đông lạnh khoảng 1 tấn, rau củ quả khoảng 5 - 10 tấn tuỳ ngày thường hoặc cuối tuần… nên người dân thoải mái mua sắm. Quan trọng là người dân đến mua sắm tại các điểm tuân thủ nghiêm quy định giãn cách, không hoang mang, không sợ hết hàng. Siêu thị chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch tăng mạnh nguồn cung khi thị trường cần...", ông Khang khẳng định.
Tương tự, các đơn vị trong hệ thống VinMart đều cho biết ,nguồn cung tại đơn vị hiện dồi dào và đang lên kế hoạch chi tiết cho việc điều phối nguồn hàng để đảm bảo đủ phục vụ người dân, đặc biệt là các vùng dịch. "Người dân không nên tích trữ sản phẩm quá nhiều vì nguồn hàng tại đơn vị vẫn đảm bảo đều đặn mỗi ngày", vị này khẳng định.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết: “Sở đã lên kịch bản ứng phó dịch bệnh theo 5 cấp độ. Theo đó, bảo đảm nguồn cung hàng hóa khi nhu cầu của người dân tăng đột biến, cũng như trường hợp nhiều địa phương trong tỉnh phải cách ly…”.
Cụ thể, ở cấp độ 1 có trường hợp dịch bệnh xâm nhập và xuất hiện 1 khu vực cách ly thuộc địa bàn phường, xã, thị trấn với số người trong khu vực cách ly 200 người và 1.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Cấp độ 2, khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn tỉnh, xuất hiện nhiều khu vực cách ly. Cấp độ 3, có từ 20 ca nhiễm đến trên 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên và nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn huyện, thành phố, thị xã. Cấp độ 4 là có trên 1.000 - 3.000 trường hợp mắc, 21 huyện, thành phố, thị xã đều có khu cách ly. Và cuối cùng cấp độ 5 là có trên 3.000 - 30.000 trường hợp mắc bệnh khiến cho khoảng 1 triệu người dân tỉnh Nghệ An có nguy cơ lây nhiễm cao (chiếm 1/3 dân số trên địa bàn tỉnh); người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm.
"Ở các cấp độ 1, 2, 3, các DN thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Đối với cấp độ 4, 5, Sở sẽ tập trung chỉ đạo các DN phân phối dồn tổng lực hàng hóa; mở thêm các kho dự trữ hàng, các điểm bán tại các địa phương và trong trường hợp cần thiết sẽ lập thêm các kho dã chiến…", ông Tú cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương chủ động cùng các DN liên hệ với các tỉnh, thành phố khác để đưa hàng hóa về Nghệ An phục vụ nhân dân trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, cho bổ sung các xe chở hàng từ Công an, Quân đội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Nghệ An, từ kho tới hệ thống phân phối và thực hiện giới hạn lượng hàng hóa bán ra với mỗi khách hàng cá nhân khi dịch diễn biến trên diện rộng.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023