Lễ hội truyền thống đền Hóa Dạ Trạch bắt đầu từ 10 đến 12 tháng 2 Âm lịch hằng năm. Tương truyền, đền Hóa được xây trên nền lâu đài của đức thánh Chử Đồng Tử và là nơi ngài và nhị vị phu nhân hóa về trời. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch SARS-COVID-2, lễ hội được tổ chức đảm bảo các nghi lễ truyền thống nhưng đơn giản, gọn nhẹ.
Trong các thư tịch cổ của Việt Nam đều có ghi chép rõ về Thần Chử Đạo Tổ tức Chử Đồng Tử. Ngài là thương nhân đầu tiên của nước Việt và trong tâm thức của người Việt, ngài là Thánh tổ của doanh thương, là vị thần linh bảo hộ nghề buôn bán. Chủ điểm chính của thần tích về Chử Đồng Tử chính là việc phong thần cho một hình tượng doanh thương, mở đầu việc mở chợ buôn bán và nhờ doanh thương mà xây dựng được sự nghiệp từ một hoàn cảnh nghèo khổ ở bến sông. Với việc tu luyện Phật pháp thì chỉ cần cây gậy thần và chiếc nón cũng có thể làm nên sự nghiệp kinh tế lớn lao.
Hàng năm, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam cũng như Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam luôn hướng tới và dâng hương trong những dịp lễ quan trọng tại Đền Hóa Dạ Trạch. Đó cũng là tín ngưỡng, là một yếu tố tạo niềm tin cho thương nhân hướng tới vị tổ nghề Thương mại - Chợ Việt Nam. Tại đó, trong sự giao thoa các tín ngưỡng, trước khi được nhân dân phong thánh theo tinh thần Đạo giáo, Chử Đồng Tử, qua quy chiếu Phật giáo, chính là một vị Bồ Tát của nghề thương mại. Do đó, Thánh Chử Đồng Tử xứng đáng là một vị Bồ tát, vị Đạo tổ, là Thánh khởi nguyên của doanh thương Việt Nam.
Theo thống kê, rất nhiều làng thuộc các tỉnh nằm ở hạ lưu châu thổ sông Hồng như Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam đều có thờ đức thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung và Hồng Vân công chúa. Nhưng ở Hưng Yên là có nhiều đền nhất với 45 làng cùng thờ. Hằng năm vào ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử lại được diễn ra tại đền Hóa Dạ Trạch, đền Đa Hòa (xã Dạ Trạch) và đền thờ Hồng Vân công chúa (xã Đông Tảo, Khoái Châu) để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của Tam vị với dân làng quanh vùng, đồng thời cũng để tô đậm thêm thiên tình sử muôn đời của Tam vị đức thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung và Hồng Vân công chúa.
Trong năm 2020, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam cùng Liên đoàn xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam xây dựng thành công vở diễn Cây gậy thần về huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung, tác phẩm đầu tiên trong dự án Huyền Sử Việt. Khán giả Việt Nam lần đầu tiên có cơ hội thưởng thực sự kết hợp ngọt ngào giữa làn điệu cải lương mượt mà, sâu lắng với những màn biểu diễn xiếc với vòng lửa, dây treo trên không trung đầy kịch tính và mạo hiểm. Với việc kết hợp hai ưu thế nổi trội của hai loại hình nghệ thuật sân khấu, tác phẩm Cây Gậy Thần đã chinh phục các khán giả trong nhiều đêm diễn tại Rạp Xiếc Trung ương, Hà Nội.
Nguồn tin: Ban Truyền thông Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023