Qua nhiều thời kỳ, kinh tế tập thể luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nước ta. Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IX đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 13 ngày 18/03/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nghị quyết số13 ra đời đánh dấu bước tiến mới quan trọng về tư duy và chủ trương phát triển kinh tế tập thể ở nước ta, chỉ rõ mục tiêu đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn; kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13, khung khổ pháp lý cho kinh tế tập thể, hợp tác xã từng bước được hình thành, khuyến khích kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, khẳng định tư duy mới về mô hình hợp tác xã kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, với nguyên tắc thành viên hợp tác xã vừa là chủ sở hữu, vừa là khách hàng của hợp tác xã.
Tính đến tháng 6 năm 2019, cả nước có khoảng 14.500 hợp tác xã với 8,6 triệu hộ, bình quân mỗi tỉnh có 220 hợp tác xã. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì mô hình kinh tế hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận thị trường, khó vay vốn trung hạn và dài hạn.
Tại Hội nghị lần này, các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được và những hạn chế còn tồn tại, lắng nghe ý kiến từ các Hợp tác xã, các địa phương nhằm tìm giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các bộ, ngành để soạn thảo Sách trắng về hợp tác xã./.