Trong các ngày từ 24 đến 27-9, Hội chợ Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống WorldFood Moscow 2019 diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Crocus Expo-Moscow, LB Nga. Đoàn Việt Nam với 10 doanh nghiệp, dưới sự chủ trì của Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, đã tham gia Khu gian hàng Việt Nam trưng bày tại Hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm và đồ uống, tìm kiếm bạn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga một cách bền vững.
10 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ năm nay đều là những doanh nghiệp uy tín, có năng lực sản xuất, xuất khẩu, xúc tiến thương mại thuộc lĩnh vực nông, thủy sản, thực phẩm và đồ uống, từ nhiều vùng, miền trên cả nước, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Phú Thọ, Hậu Giang, Khánh Hòa... Các sản phẩm được trưng bày tại hội chợ gồm: hạt tiêu, hạt điều, cà-phê, chè, thủy sản, hoa quả đóng hộp, nước ép trái cây…
Hội chợ WorldFood Moscow 2019 có sự tham gia của 1.560 doanh nghiệp đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với diện tích trưng bày gần 53 nghìn m2, bao gồm 3.200 gian hàng, thu hút khoảng 30 nghìn lượt khách tham quan, giao dịch, ký kết hợp đồng. Hội chợ WorldFood Moscow là sự kiện lớn và quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đồ uống. Vì thế, đây là sự kiện được các doanh nghiệp toàn cầu quan tâm, là cơ hội quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga. Đây là năm thứ tư liên tiếp, Việt Nam có các doanh nghiệp tham gia hội chợ và số lượng mỗi năm đều tăng lên.
Đến với hội chợ, Công ty TNHH Tín Thịnh, chuyên chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng, sản phẩm của công ty mình rất phù hợp với thị trường Nga và mong muốn tìm kiếm thêm khách hàng tại Nga và các thị trường lân cận. Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhi, Chủ tịch Công ty cho biết, nắm bắt việc thị trường Nga hiện mua nhiều sản phẩm của Việt Nam hơn với các mặt hàng đa dạng hơn, bởi vậy công ty mong muốn tìm được phương thức xuất thẳng cho các nhà nhập khẩu ở Nga, đưa thẳng hàng hóa của mình lên các kệ hàng của siêu thị. Tuy mỗi năm kim ngạch xuất khẩu của Tín Thịnh vào Nga đạt khoảng một triệu USD, song đơn vị này luôn xác định rõ phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tương tự như của châu Âu. Chìa khóa thành công của Tín Thịnh chính là cần áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường. Hiện nay, mỗi năm công ty xuất khẩu sang Nga đạt kim ngạch khoảng một triệu USD.
Trong khi đó, với thâm niên gần 10 năm xuất khẩu hạt điều sang thị trường Nga, chị Tạ Ngọc Mai, Giám đốc bán hàng của Công ty Hoàng Sơn-1 cũng nhận thấy thị trường Nga đang có nhu cầu ngày càng cao đối với mặt hàng của công ty, bởi vậy công ty cần có kế hoạch đầu tư để xuất hàng tinh chế, thay vì xuất thô.
Ngoài các doanh nghiệp từ trong nước sang, tham gia Hội chợ WorldFood Moscow năm nay còn có các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Nga, như: TH true Milk, King coffee, Viet House, Nafood, Sabeco… Ông Nguyễn Mai Phương, Đại diện Tập đoàn Nafood tại Nga cho biết, sản phẩm của tập đoàn đã có mặt tại Nga từ một năm qua và chiến lược dài hạn của tập đoàn là sớm xây dựng nhà máy quy mô nhỏ, sấy hoa quả tại chỗ. Ông Nguyễn Mai Phương đánh giá, thị trường hoa quả sấy của Nga rất tiềm năng, bởi đây là xứ lạnh, và người Nga rất thích hoa quả nhiệt đới như của Việt Nam. Ông cho rằng, mỗi lượt khách Nga du lịch đến Việt Nam, thưởng thức hoa quả Việt Nam và họ đều trở thành những “người quảng cáo” cho hoa quả Việt Nam khi trở về nước. Việc Nafood mở thị trường tại Nga cũng dựa trên nhu cầu thực tế của người dân Nga và tập đoàn không chỉ dừng lại ở các sản phẩm hoa quả sấy, mà sẽ có phương án xuất khẩu hoa quả tươi sang Nga.
Theo thống kê, năm 2018, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga tăng trưởng tích cực. Cụ thể, mặt hàng cà-phê đạt kim ngạch 190 triệu USD, hạt điều đạt 60 triệu USD, chè đạt 21 triệu USD, thủy sản đạt 100 triệu USD, các mặt hàng hoa quả đóng hộp cũng tăng cao hơn... Kể từ khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu, các doanh nghiệp tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác. Tiềm năng thị trường Nga còn rất lớn với nhu cầu nhập khẩu thủy sản 1,5 tỷ USD/năm, trong khi Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 100 triệu USD hàng xuất khẩu; hay đối với mặt hàng cà-phê, mỗi năm Nga nhập khẩu 600 triệu USD, trong khi Việt Nam, mặc dù đứng đầu các nước xuất khẩu cà-phê vào Nga, song cũng chỉ đạt 190 triệu USD.
Trực tiếp theo dõi thị trường, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên Bang Nga cho biết: “Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng như chè, cà-phê, thủy sản nhưng chủ yếu xuất thô. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam tương đối đủ thực lực và có thể đầu tư chế biến ở nước ngoài thay vì bán hàng thô. Với thị trường Nga và Liên minh kinh tế Á-Âu, chúng ta có mối quan hệ tốt, có hiệp định và cần vận dụng để hưởng các ưu đãi. Chúng ta cần đầu tư ở đây, đưa sản phẩm sơ chế vào chế biến, và bán với thương hiệu của mình, lợi nhuận sẽ cao hơn”.