Bảo đảm hàng hóa phục vụ dịp Tết

Thứ năm - 27/10/2022 22:55
Còn gần hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng thời điểm này, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tay vào sản xuất, dự trữ hàng Tết. Nhiều doanh nghiệp tăng sản lượng, cam kết không thiếu hàng hóa cho mùa mua sắm quan trọng nhất trong năm.
Vissan bắt đầu sản xuất các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Những ngày gần đây, công nhân Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã tăng sản lượng sản xuất giò chả, xúc xích… cho Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Phó Tổng Giám đốc Vissan Nguyễn Đăng Phú chia sẻ, đơn vị đã chuẩn bị 710 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Theo kế hoạch, Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt heo), tăng 30% so với mức thực hiện Tết Nhâm Dần 2022, cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%. Vissan cam kết đủ hàng trước và sau Tết với giá ổn định.

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Phú, nhìn chung, sức mua từ đầu năm đến nay khá yếu, do vậy, nếu sản lượng hàng Tết năm nay bằng năm 2020 sẽ là tín hiệu rất khả quan. Hai năm nay, các chi phí đầu vào tăng cao với tổng mức tăng lên từ 40% đến 50% tạo áp lực tăng giá thực phẩm chế biến, nhưng Vissan không thể tăng giá bán ngay mà phải tính toán tiết giảm chi phí trước để giữ giá hàng hóa ổn định.

“Giá thực phẩm tươi sống năm nay tương đối ổn định, mặc dù giá heo hơi đang có xu hướng tăng nhưng mức tăng này nằm trong tầm kiểm soát của Vissan, do đó công ty vẫn giữ giá thịt heo bán lẻ ổn định”, ông Nguyễn Đăng Phú cho biết thêm.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Phạm Thị Huân chia sẻ: “Ngày Tết, phần lớn các gia đình Việt đều có nồi thịt kho trứng trong nhà. Do đó, chúng tôi cố gắng không để đứt nguồn trứng gia cầm, làm sao có giá tốt nhất cho bà con”. Công ty TNHH Ba Huân tăng 20% sản lượng trứng so với cùng kỳ năm 2022 để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tuy chưa dự kiến được giá bán lẻ nhưng là doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường nhiều năm liền, do đó Công ty TNHH Ba Huân đã chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và cố gắng kìm giữ giá bán, góp phần ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá cả mặt hàng thiết yếu.

Chuẩn bị tung ra thị trường mặt hàng mới là nước tăng lực cà-phê cho thị trường Tết năm nay, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ, mỗi năm, công ty đều “khoác áo mới” cho các sản phẩm của mình để phục vụ nhu cầu biếu tặng, làm quà Tết của người tiêu dùng. Kế hoạch của Bidrico sẽ tăng 12% sản lượng so với năm 2022 và cam kết không tăng giá sản phẩm.

“Doanh nghiệp ngành đồ uống gặp nhiều khó khăn do nguyên vật liệu đầu vào đều tăng kéo giá thành sản phẩm tăng theo, trong khi đó, thu nhập người tiêu dùng giảm dẫn đến sức mua giảm theo… Từ lúc dịch bệnh đến nay, giá thành sản phẩm đã tăng 26%, nhưng sản phẩm chỉ có thể tăng 6% ở kênh truyền thống và 8% ở kênh siêu thị”, ông Nguyễn Đặng Hiến nói.

Đại diện các hệ thống phân phối hiện đại như Saigon Co.op, Central, MM Mega Market, Aeon, Lotte Mart, Winmart, Emart… cho biết, sẽ tăng nguồn hàng tiêu dùng lên 20%-50% tùy từng nhóm hàng. Saigon Co.op dự báo sức mua toàn thị trường sẽ tăng khoảng 10% trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Các hoạt động kinh doanh, khuyến mãi… hàng Tết tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ diễn ra trước Tết hai tháng...

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi kiến nghị, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi. Doanh nghiệp rất mong tiếp cận vốn vay hỗ trợ lãi suất, giữ vững hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao.

Theo Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là gần 40.000 tấn. Trong tháng 10 và 11, sở sẽ làm việc với các doanh nghiệp nắm lại kế hoạch sản xuất. Nguồn hàng dự trữ và các khó khăn trong khâu chuẩn bị cũng cần được giải quyết triệt để nhằm bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ số lượng theo kế hoạch. Dự kiến trong dịp Tết, nguồn lương thực thành phố cần hơn 5.200 tấn; đường 2.000 tấn; dầu ăn 2.300 tấn; thịt gia súc hơn 5.600 tấn; thịt gia cầm gần 8.500 tấn; trứng gia cầm hơn 50 triệu quả. Tổng nguồn hàng chế biến 1.400 tấn, trong đó rau, củ, quả hơn 9.000 tấn; thủy, hải sản gần 300 tấn; gia vị 1.600 tấn…

Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Ngô Hồng Y cho biết, trong mọi tình huống, thành phố luôn xác định bảo đảm lưu thông hàng hóa, không để thiếu hụt vào dịp Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường sẽ dự trữ nguồn hàng chiếm 25%-43% so với nhu cầu thực tế.

Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, nguồn hàng dự trữ và các khó khăn trong khâu chuẩn bị sẽ được giải quyết triệt để. Thành phố cũng có kế hoạch hỗ trợ hệ thống phân phối tổ chức hội nghị kết nối cung-cầu giới thiệu mặt hàng mới, các hàng đặc sản, tiềm năng, có chất lượng, giá phù hợp vào trung tuần tháng 11 tới. Dịp cuối năm, thành phố sẽ triển khai nhiều hoạt động khuyến mãi đối với các mặt hàng tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng. Dự báo, trong năm nay, sức tiêu thụ của người dân sẽ tăng cao so với cùng kỳ hai năm trước...

Tác giả bài viết: https://nhandan.vn/bao-dam-hang-hoa-phuc-vu-dip-tet-post722008.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây