Chợ tình Khau Vai
Đây là phiên chợ di sản của vùng cao nguyên đá Mèo Vạc, Hà Giang, được họp trên quả đồi thuộc bản Khau Vai, vào đêm 27/3 âm lịch. Tương truyền Chợ Tình có từ xa xưa, là phiên chợ “hoài niệm tình xưa” truyền thống của người dân tộc Mông. Đi chợ là để gặp “tình cũ”, “người xưa”, vì lý do nào đó mà không thành vợ thành chồng. Đi chợ, trao nhau nhớ nhung, chia sẻ vui buồn, chợ tan, trở về sống thực, không có sự hờn ghen… Đặc biệt trong đêm ấy, cả Chợ Tình, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng hát, tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn trao duyên tình…
Chợ Lượn
Trong dịp Tết Nguyên Đán, ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, trong phiên chợ xuân, đồng bào Tày thường tổ chức hát lượn giao duyên, nên gọi là chợ Lượn, phiên chợ “duyên”. Nam thanh, nữ tú đến chợ mua bán là phụ, mà hát lượn là chính. Hát lượn là điệu hát giao duyên của người Tày, nam xướng, nữ đối (hoặc ngược lại) từ sáng tới chiều, cho đến lúc tan chợ. Nhiều lứa đôi đã bén duyên, nên vợ nên chồng sau phiên chợ Lượn này.
Phiên chợ Cưới
Phiên chợ đặc biệt của người dân tộc ở xã Tam Lộng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, họp vào ngày 25 tháng Chạp. Trai gái trong các bản làng kéo tới rất đông, có cả cha mẹ ông bà đi theo để chứng kiến lời giao ước. Có cặp đã yêu nhau, hay đến chợ mới làm quen và tìm hiểu nhau. Chợ Cưới là một kiểu chợ tình ở vùng trung du, và đôi nào “thành” ở phiên chợ này xem như được Phúc Lộc trăm năm.
Chợ Mục Đồng
Tại xã Yên Thư, Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc có phiên chợ dành riêng cho trẻ “mục đồng” chăn trâu, bò, dê… vào ngày 28 tháng Chạp. Sáng ngày 28, trẻ mục đồng mặc quần áo mới rủ nhau đi họp chợ. Chợ họp trên một khoảng đất trống, bày bán đủ loại gà vịt, bánh trái…, kẻ mua, người bán, ồn ào, tấp nập vui nhộn. Phiên chợ này ngày nay không chỉ có trẻ mục đồng mà còn có những người người chăn nuôi gia cầm, gia súc khắp trong vùng mang “đặc sản” như gà Đông Tảo, gà ri, lợn cắp nách… đến đây.
Chợ Âm Dương
Chợ tồn tại đã được vài trăm năm nay, họp duy nhất phiên vào mùng 2 Tết tại xã Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang. Dân vùng này thờ thần Bạch Hổ, nên mở chợ đề cầu an, cầu phúc. Chợ họp khi trời còn chạng vạng, rạng sáng hôm sau chợ tan. Chợ họp ngay tại sân đình, các loại hàng hóa chính là rau, cá, bún, bánh.
Chợ Làng Ó (chợ Gà, chợ Sáu)
Chợ Làng Ó tại làng Xuân Ổ (làng Sáu - chợ Sáu), thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Chợ mở đêm mùng 4 Tết. Ở đầu chợ người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương gian, trong chợ không ai được đốt đèn, nói to giọng. Trời nhập nhoạng tối là họp chợ, để người trần và người âm cùng nhau đi chợ. Chợ bán mua hoa quả, trầu cau, đặc biệt mua bán những con gà đen tuyền (gà Ó), theo truyền thuyết giống gà này có thể nhập được vào cõi âm để bẩm với Thành Hoàng làng, mong Ngài phù hộ cho dân làng được nhân khang, vật thịnh. Chợ họp đến canh tư là tan.
Chợ Đình Cả
Họp một phiên mùng 2 Tết, thuộc xã Tân Hương, Ninh Giang, Hải Dương. Chợ có từ năm Thái Hoà (1676-1679) gắn với sự tích Đình Cả và sự tồn tại của làng Bói. Chợ bán muối, bún, hải sản và trầu cau. Khi mua xong, mọi người vào trong Đình Cả dâng hương tưởng nhớ các anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, dựng làng lập ấp và mang lại ấm no cho dân làng. Ngoài ra, đây còn là phiên chợ cầu duyên đầu năm mới.
Chợ Ngái
Làng Ngái, Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội, có phiên chợ độc đáo trước và sau Tết Nguyên đán, chuyên bán mua một mặt hàng, như một nét văn hóa độc đáo cả ngàn năm của ngôi làng cổ này. Phiên chợ kéo dài từ năm cũ sang năm mới, gồm 5 phiên nhỏ: Chợ Ngái vàng mã, họp sáng 16 tháng Chạp, mua bán vàng mã, chuẩn bị lễ tiễn ông Công - ông Táo; Chợ Ngái lá dong, họp ngày 21 tháng Chạp, mua bán lá dong, lạt giang, gói bánh chưng; Chợ Ngái hoa quả, họp ngày 26 tháng Chạp, mua bán cho mâm ngũ quả ngày Tết; Chợ Ngái hàng cá họp ngày mùng 3 Tết, mua bán cá, cúng trong lễ “Tạ Cụ” đầu Xuân; Chợ Ngái hàng gà, họp mùng 6 Tết, cho lễ hạ cây nêu mùng 7 Tết.
Phiên chợ đồ cổ
Chợ họp duy nhất một lần trong năm vào 23-30 tháng Chạp tại ngã 5 phố cổ Hàng Mã, Hàng Lược, Hà Nội... Ngày xưa, chợ bán toàn đồ cổ, nay chủ yếu bày bán đồ giả cổ, đồ đồng... Khách đến đây chủ yếu mua đồ về trang trí trong nhà, cũng có những người đến đây chỉ để ngắm, đi chơi vào những ngày giáp Tết. Đây cũng là điểm hẹn cuối năm của những người mê đồ cổ trong cả nước.
Chợ Đồng
Ở làng Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam, họp trên cánh đồng khô ráo ở đầu làng vào ngày 24 tháng Chạp, hầu như tất cả mọi người trong làng đều đi chợ, để bán, mua, chúc mừng nhau khi năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến. Đặc biệt, nhiều người đến chợ để tham gia hội thi thơ nhân dịp Tết, vì đây là quê của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Ai có bài thơ hay, trúng giải thì được cùng các bô lão trong làng thưởng “nếm rượu tường Đền”, một loại rượu đặc sản rất ngon của vùng này.
Chợ Viềng
Có hai chợ Viềng: Chợ Viềng Phủ gần phủ Giầy, Vụ Bản, Nam Định; và Chợ Viềng Chùa ở gần chùa Bi, Nam Trực, Nam Định. Dân gian có câu “Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên” chỉ 2 chợ này cùng tên Viềng và họp cùng phiên, cùng buôn bán đồ cổ, đồ mỹ nghệ bằng gốm- sứ- đồng- đá…, đồ cũ, nông cụ, cây cảnh, giống cây trồng, thịt bê... Chợ họp từ đêm mùng 7- rạng sáng mùng 8 Tết, “bán rủi, mua may”. Đi chợ cầu may nên ít mặc cả để “bồng” ông Lộc về nhà… Hai đặc sản thu hút mọi người là thịt bê thui và mía Đường Trèo được xem như đặc sản cầu lộc. Ngày nay, đi chợ Viềng còn kết hợp vào Phủ, Đền, Chùa cầu may, đặc biệt là Phủ Giày thờ Mẫu Liễu Hạnh, và dự một thanh đồng nghe hát chầu văn.
Chợ Chuộng
Người dân xã Dân Quyền, Triệu Sơn, Thanh Hóa chờ đến ngày mùng 6 Tết để tổ chức họp chợ, để mua tài cầu lộc, và tham gia lễ hội ném cà chua mong nhận được sự may mắn ngày đầu năm. Các mặt hàng được bày bán ở chợ là những sản vật nông nghiệp trong vùng như: Khoai lang, cà chua, rau quả; các loại bánh được làm từ bột gạo như: Bánh cuốn, bánh răng bừa, bánh đa…
Chợ Bến
Ở Đồng Hới, Quảng Bình, chỉ họp ba ngày đầu năm, dọc theo bờ sông Nhật Lệ, Trên bộ xe cộ tấp nập, dưới sông thuyền ghe chen nhau san sát. Người về họp chợ mang theo các loại đặc sản ở quê mình như các đồ thủ công mỹ nghệ, tôm, cá, thịt lợn, mật ong, gà, vịt, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em… Đi chợ cầu sự may mắn, cầu phúc lộc thọ cho năm mới. Chợ còn tổ chức các trò chơi dân gian như chọi gà, leo cột mỡ, đi cầu nối trên sông hay túm tụm quanh các điểm bài chòi..
Chợ Đình Bích La
Ở đình Bích La, xã Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị, họp đêm mùng 2, sáng mùng 3 Tết. Phiên chợ bao giờ cũng được mở đầu bằng lễ cúng tạ ơn trời đất và các bậc tiên linh, với tâm điểm là lễ cầu thần Kim Quy. Các mặt hàng bày bán tại chợ là những hàng nông sản tinh túy nhất do chính người làng Bích La làm ra.
Chợ Xuân Gia Lạc
Đây là phiên chợ Hoàng gia, có từ năm 1826 thời Vua Minh Mạng (1820-1840), do hoàng tử thứ tư của Vua Gia Long là Định Viễn công Nguyễn Phước Bình sáng lập với mong muốn cho dân gian được hưởng những món ngon cung đình.
Xưa chợ họp ở Phủ hoàng tử, nay họp ở ngã ba Dương Nỗ, cách Tp Huế 3 km. Chợ họp mỗi năm một phiên từ sáng mồng 1 Tết, bày bán nhiều món ăn cung đình và đặc sản của các địa phương như: Thịt heo quay, các loại bánh mứt khéo, chuối ngự Nam Giao, quýt ngọt Hương Cần, trầu hương chợ Dinh, cau Nam Phổ... Đi chợ không được nói “mua, bán” mà thay vào bằng “biếu, tặng”. Chợ còn có các trò chơi dân gian như hát bài chòi, bài ghế, hò giã gạo, bài tha, bài vụ… Theo phong tục người ở chợ Dinh, Gia Hội đi chợ có dịp bói đò năm mới vì phải qua sông, nếu đến bến mà đò đang neo đợi, nghĩa là sẽ được thong dong trong năm mới.
Chợ Gò Trường Úc
Chợ họp vào ngày mùng 1 Tết, trên một gò đất dưới chân núi Trường Úc, cạnh bờ sông Hà Thành đổ ra đầm Thị Nại, thị trần Tuy Phước, cách Tp. Quy Nhơn 8km. Đây là vùng “đất võ trời văn” Bình Định. Bên cạnh những sản vật của người dân Tuy Phước, chợ còn có các gian hàng thư pháp, tranh Tâm Nguyên Đường (loại tranh thư pháp nổi tiếng của Bình Định được thể hiện trên nhiều chất liệu như: giấy, gỗ, đá, gốm…). Theo tục lệ, khách đi chợ mua 12 lá trầu để tượng trưng 12 tháng trong năm, hai trái cau chín đỏ, một ít vôi Trường Úc và một chùm trái sung với ý nói lên sự sung túc giàu sang của mọi gia đình làm ăn trong năm mới. Chợ còn có tục lệ, ai đến trước bày hàng bán trước, ai tới sau thì nối đuôi nhau bày hàng. Ở phiên chợ này, du khách đi du xuân hái lộc, cầu may xin thẻ cầu duyên ở Chùa Long Sơn cạnh đó.
Chợ Lá dong Ông Tạ
Đây là phiên chợ mang hồn “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, nằm ở ngã ba Ông Tạ, đường Phạm Văn Hai – Cách Mạng tháng Tám, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh. Mỗi năm, chợ lá dong Ông Tạ chỉ họp đúng một lần vào dịp giáp Tết Nguyên đán, tương truyền chợ đã có hơn ba trăm năm bằng tuổi Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh. Chợ đặc biệt bán loại lá dong sống nhỏ mềm, lá dai, xanh mướt, sợi lạt giang mềm dai chắc, và các loại đậu xanh, nếp mang từ ngoài Bắc vào để gói ra những chiếc bánh chưng đúng kiểu Lang Liêu. Ngoài ra, chợ còn bán các sản vật gốc Bắc.
Cùng với tiến trình của lịch sử dân tộc, lịch sử bang giao với quốc tế, chợ Việt Nam là nơi trao đổi hàng hóa giữa các cộng đồng toàn cầu. Và những phiên chợ xuân độc nhất cầu Phúc - Lộc - Thọ đầu năm mới mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống như một bảo tàng dân gian đặc biệt của người Việt, một loại hình di sản độc đáo được giữ gìn, bảo tồn như kho tàng quý giá./.
Nguồn tin: Tổng hợp
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023