Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, vốn đam mê chụp ảnh từ nhỏ nhưng vì không có điều kiện nên ông Hồ Đại Phước đành gác lại ước mơ đi du lịch, chụp ảnh. Ông bắt tay vào đầu tư làm nông nghiệp, chăn nuôi trên mảnh đất hiện nay gia đình đang sinh sống. Khi đã ổn định về kinh tế, ông quyết tâm thực hiện đam mê thời trai trẻ và quyết định xuyên Việt để chụp ảnh về chợ. Càng đi nhiều, ông lại càng thấy các ngôi chợ có sức hấp dẫn, lôi cuốn kỳ lạ, nhất là những chợ phiên và chợ vùng núi cao, chợ của dân tộc bởi những nét văn hóa độc đáo còn lưu giữ tại đây.
Bức ảnh đầu tiên ông chụp là chợ Bến Thành, sau lần đó ông quyết tâm phải tìm và chụp bằng được tất cả chợ ở TP.HCM. Ông học chụp ảnh rồi rong ruổi khắp TP.HCM, từ nội ô ra ngoại thành để chụp ảnh chợ. Gần hết chợ ở Sài Gòn, ông vác ba-lô, lặn lội tìm đến chợ các tỉnh lân cận, rồi ra tận Lũng Cú - Hà Giang - địa đầu Tổ Quốc cho đến đất mũi Cà Mau để thỏa đam mê khám phá, chụp hình chợ. Cứ thế, một mình một xe, ông rong ruổi dọc mảnh đất hình chữ S bằng những chuyến đi xuyên Việt chỉ với mong muốn chụp bằng hết những ngôi chợ trên những vùng đất đi qua để lỡ mai này khi chúng chỉ còn là ký ức thì vẫn còn những bức ảnh để lưu lại.
Cứ thế, những bức ảnh lưu giữ về chợ ngày một nhiều lên, mỗi bức ảnh, ở mặt ông tỉ mỉ ghi rõ tên chợ, địa điểm, ngày tháng chụp và thông tin về người dân chụp cùng mình trong ảnh. Các tấm hình chụp chợ đều được đánh số và xếp theo thứ tự ngày tháng, tỉnh thành, riêng có tập xếp theo thứ tự A, B,C. Nhờ vậy, ông phát hiện ra một vài điều lý thú về chợ như: có những chợ trùng tên nhau dù ở khác tỉnh, khác vùng miền. Ví dụ như chợ An Hòa có 5 cái ở Huế, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ. Chợ Hòa Bình có 4 cái ở TP.HCM, Hải Phòng, Tây Ninh, Bạc Liêu, ... Ông cũng tự hào chia sẻ rằng ông đã chụp được 5 ngôi chợ, tiêu biểu cho 5 vùng miền của đất nước. Đó là: chợ Đất Mũi (Cà Mau), chợ Bến Thành (TP.HCM), chợ Đông Ba (Huế), chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và chợ Lũng Cú (Hà Giang).
Không chỉ chụp ảnh, ông Phước còn am hiểu về những ngôi chợ mình đã đến, đã chụp. Ông có thể ngồi say sưa kể lại lịch sử, năm xây dựng, hàng hóa bán ở chợ, rồi phân loại chợ đầu mối, bán lẻ bán sỉ rất chi tiết. Đến nay, dù đã ở tuổi 70, ông vẫn tiếp tục hành trình của mình. Ông cho biết, chợ đất liền hiện đã gần hết, nên hiện nay ông tập trung đến với vùng biển, đảo để khám phá, lưu giữ những thước hình về chợ và cũng là để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước từ những điều bình dị nhất.
Đối với ông, những bức ảnh chợ tuy nhỏ bé, đơn giản nhưng nó mang giá trị rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần bởi gần cả đời ông đã dành trọn cho chợ, cũng hi sinh nhiều thứ, mất mát nhiều thứ nên đây là thứ quý giá nhất đối với ông. Hơn 20 năm rong ruổi khắp mọi miền đất nước, đến ngày 09/6/2016, ông đã chụp được 2.000 ngôi chợ với hơn 20.000 bức ảnh ở 63 tỉnh thành trong cả nước. Ông thống kê, sắp xếp đầy đủ và khoa học về các khu chợ như TP.HCM 221 chợ, Hà Giang 21 chợ, Huế 43 chợ, An Giang 102 chợ...
Chia sẻ về niềm đam mê khác lạ này, ông tâm sự rằng chính ông cũng không sao lý giải được. Chỉ biết rằng đó là một niềm hạnh phúc, một cơ hội được kết tình bằng hữu khắp mọi nơi của ông. Mỗi chuyến đi như một cuộc dạo chơi nhưng nhiều ý nghĩa và ông khám phá ra nhiều điều. Cũng nhờ những chuyến đi ông có thêm nhiều bạn, có những người trở nên rất thân thiết.
Nguồn tin: kyluc.vn
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023