Mỗi phiên chợ một sắc thái
Chợ Còng một tháng đôi phiên,
Le te gà gáy xuống thuyền qua sông.
Mùng sáu đi chợ Chìa chơi,
Sang ngày mùng tám coi bơi cửa Hàn.
Cầu Quan vui lắm ai ơi,
Trên thời họp chợ, dưới bơi thuyền rồng.
Chiều tà ra ngóng, vào trông,
Nàng đi chợ Láng buôn bông mau về...
Ở xứ Thanh, họp chợ - mua và bán diễn ra tất cả các ngày trong năm, có chợ chỉ họp vào ngày Rằm và mùng một hàng tháng, có chợ họp theo phiên - theo quy ước trong ngày, trong tháng và có chợ chỉ họp duy nhất trong năm chỉ có một ngày hay một buổi. Chợ truyền thống xứ Thanh gắn liền với các sản vật của từng vùng miền, mùa nào thức ấy có ở khắp nơi, từ những làng chài ngay bên bờ sóng đến các chợ vùng đồng bằng và cả chợ ở tận miền non cao, phía Tây Thanh Hóa. Những chợ nổi tiếng còn lưu truyền và lan tỏa trong dân gian:
Cẩm Thủy có chợ Cửa Hà là một trong những chợ lớn nhất tỉnh Thanh. Nhiều nhà buôn người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Kỳ, Thanh Hóa và cả Nghệ An đến chợ, đông nhất là vào tháng 9 và tháng 12. Họ đến bằng thuyền, xe do vật kéo hoặc đi bộ, chợ Cửa Hà - Phong Ý vốn nổi tiếng là chợ lâm sản "Trống Đồng Cổ, gỗ Phong Ý" và lúa, ngô... Người về chợ không chỉ có người dân Cẩm Thủy, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Thạch Thành đến mua bán mà người Thái ở Sơn La và người Lào xuống chợ này rất đông.
Xứ Thanh có nhiều chợ bầy bán các sản phẩm của nền sản xuất tiểu nông:
Chợ Vạn một tháng chín phiên,
Có đình có phố kề liền bến sông.
Chợ Đu đông thật là đông,
Nào thóc, nào lúa bán cùng chuối, chanh.
Chợ Là lươn ốc vây quanh,
Chợ Gò, chợ Chổ chè xanh tha hồ.
Chợ Vạc thì phải qua đò,
Bước sang chợ Rị phải lo mua thừng.
Bên cạnh chợ thương phẩm nông nghiệp là chợ mua bán sản phẩm thương nghiệp:
Nhất cao là núi Đan Nê,
Nhất đông chợ Bản, nhất vui chợ Chùa.
Không chỉ trao đổi mua bán sản phẩm mà chợ còn thể hiện nết đất, tình người:
Đồn rằng Cổ Định mở hội chợ Nưa,
Ông Cống, ông Cử ra lo việc làng.
Hoặc:
Lấy chồng chợ Rủn làm quan,
Lấy chồng Tuyên Hoá bán than đen người...
Xứ Thanh còn có chợ gia súc như chợ Bản, chợ trâu bò thu hút thương lái khắp nơi đến tìm mua, chợ Chè, chợ Nhồi nổi tiếng với các sản phẩm đồ đồng, đồ đá Chè, Rị đúc nồi, làng Nhồi đục đá, chợ Vồm bán đồ gốm. Các chợ trong vùng chuyên bán các sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống: Bồ Bát Căng, năng Kẻ Chè, Bồ chợ Nưa, bừa làng Vạc, có chợ chuyên bán thực phẩm, hoa quả: Mít chợ Bôn, tôn chợ Ghép... Tỉnh Thanh còn có chợ phong tục...
Bỏ con bỏ cháu chứ không bỏ 26 chợ Thiều
Chợ truyền thống xứ Thanh không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu phục vụ cho cuộc sống của con người, còn mang sắc thái riêng của mỗi vùng miền, thông qua giao thương sản vật hàng hóa và còn là chợ văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung phản ánh một số chợ truyền thống tiêu biểu diễn ra trong dịp đầu xuân mới.
Chợ Thiều, thôn Thiều Huy, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc họp để cầu may.
Ở vùng ven biển có chợ Thiều, thôn Thiều Huy, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc chỉ họp mỗi năm đúng một lần vào ngày 26 tháng Chạp. Người dân đến đây không chỉ nhằm mua bán hàng hóa mà chủ yếu để cầu may.
Xưa chợ Thiều được họp ở ngay sát bờ sông để thuận tiện giao thông đường thủy với kiểu buôn bán trên bến dưới thuyền. Nay làng thống nhất họp vào trong sân chùa theo nguyện vọng người dân. Trên là chùa dưới là chợ để lưu giữ nét hồn quê. Các mặt hàng bán ở chợ chủ yếu đều là những sản vật vùng quê: Đồ quà bánh để thờ cúng ông bà tổ tiên, các món đặc trưng ngày Tết như lá dong, sợi giang, quả cau, lá trầu, củ hành, củ tỏi, thịt cá, hoa giấy, hoa tươi...
Chợ Thiều có từ thế kỷ XV, tương truyền, tướng quân Lê Phúc Đồng dẫn quân dẹp giặc ngoại xâm, khi đến khúc sông của dòng Mã giang, bên chân núi Thiều thì thuyền mắc cạn. Tướng quân Lê Phúc Đồng ra lệnh cho quân nghỉ ăn cơm trưa chờ con nước lớn. Khi lên bờ nghỉ chân, vị tướng họ Lê bắt gặp một miếu thờ nhỏ nằm ngay bên chân núi do những đứa trẻ mục đồng của làng Thiều dựng lên. Ông thắp nén nhang cầu cho thuận buồm xuôi gió, đánh thắng giặc ngoại xâm. Thắp nhang xong, vị tướng và quân sĩ vô cùng bất ngờ khi nước sông dâng cao, đoàn thuyền kịp xuôi dòng và tiến thẳng ra cửa Thần Phù đánh giặc. Sau khi thắng giặc, tướng quân Lê Phúc Đồng về lại làng Thiều, cùng dân làng mở hội mừng chiến công đúng vào ngày 26 tháng Chạp. Từ đó đến nay, cứ đến ngày này, chợ Thiều lại được mở.
Đến hẹn lại lên, chợ Thiều cứ cuối năm lại mở để người dân đến cầu may cho năm mới. Bỏ con bỏ cháu chứ không bỏ 26 chợ Thiều, nhắc nhớ mọi người lưu giữ nét truyền thống của ông cha. Trước đây mỗi năm mở chợ, không chỉ bà con trong vùng về chợ mà có cả những người dân từ Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình... cũng vào chợ Thiều mua bán, thắp hương cầu may tại chùa, chơi trò chơi dân gian... Đã thành lệ, chợ bắt đầu họp vào lúc 4-5 giờ sáng cho đến chiều tối. Thời điểm chợ đông người mua bán nhất là khoảng 8-9 giờ sáng. Quy mô tuy không lớn như chợ Viềng (Nam Định) nhưng đây lại là nơi để mỗi năm người dân khắp vùng quê của huyện Hậu Lộc tới bán mua một thứ gì đó cầu may mắn cho gia đình trong dịp năm mới.
Các mặt hàng bày bán chủ yếu là quà bánh để thờ cúng ông bà tổ tiên, các đồ chơi dân gian cho trẻ em vui chơi vào dịp tết, những sản vật “cây nhà lá vườn” được người dân đưa ra chợ bán và mua về những thứ còn thiếu để cầu may. Đông đúc nhất vẫn là những gian hàng bán lá dong gói bánh chưng, lễ vật dâng cúng tổ tiên và thực phẩm dùng trong ngày tết. Đặc biệt, sau khi mua bán xong, dân làng và khách thập phương hoặc biện lễ hay lòng thành đều lên chùa dâng hương, kính dâng đức Phật, cầu bình an; tạ ơn những người có công bảo vệ và dựng xây non sông, đất nước trong không khí rộn ràng, đầm ấm của những ngày cuối năm, lòng phấn khởi và háo hức chờ đón một mùa xuân mới với những điều tốt lành đang đến.
Đi chợ để choảng nhau
Mỗi năm một lần, đến hẹn lại lên, nhân dân quanh vùng các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa lại háo hức chờ đến mùng 6 tết lục tục kéo nhau đến phiên chợ Chuộng để được “choảng nhau” bằng táo, cà chua, trứng vịt, gà. Năm nào phiên chợ có nhiều người “choảng” thì năm đó nắng mưa thuận hòa, mùa màng tươi tốt, muôn người trong làng, ngoài tổng sẽ gặp nhiều may mắn, đủ đầy.
Chợ Chuộng, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn họp một lần trong năm để ném nhau.
Từ sáng sớm người dân quanh vùng đã rồng rắn đến chợ, đến chợ, ai cũng mua cho mình một túi táo, những mớ cà chua đã chín đỏ hoặc một ít trứng gà, vịt làm “vũ khí” để “choảng nhau”. Sau trận “mưa” cà chua, trứng, quần áo nhiều người nào bê bết, vỏ cà chua vương khắp chợ.
Chợ Chuộng, họp trên bãi đất rộng ven sông Thiều, thuộc địa phận làng Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn. Cứ vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm, phiên chợ Chuộng lại được mở một lần. Người đến chợ, ngoài các bà, các chị là những người bán hàng và mua hàng, thì phần đông là nam giới, trong đó có không ít trai đinh đến chợ Chuộng chỉ để... ném cà chua, táo, trứng và những vật mềm khác vào người nhau để mong may mắn sẽ đến, buôn bán có lãi, mùa màng được bội thu.
Đi chợ Chuộng, người bán muốn bán hết hàng, người mua muốn mua đủ thứ mang về mà không quan tâm nhiều đến giá cả. Việc trao đổi hàng hóa chỉ mang tính tượng trưng, mong sự may mắn, tốt lành. Đôi khi cái rủi của người này được người khác mua về lại là điều may, nên không khí buổi chợ náo nhiệt khác thường. Các bà, các chị ngồi bệt bên các hàng quán làm miếng bánh đúc, điểm tâm đĩa bánh bèo, chia nhau chiếc bánh đa gấc đỏ au, thơm lựng. Thanh thiếu niên quây quần bên mấy cụ nặn tò he, bán đồ chơi dân gian. Cảnh mua bán diễn ra tấp nập, tuyệt niên không thấy có sự cãi cọ, mặc cả về giá cả đắt, rẻ.
Chợ Chuộng với tục ném nhau bằng cà chua, trứng, táo với xuất xứ ban đầu gắn liền với đoàn nghĩa quân của Bình Định vương Lê Lợi, hồi thế kỷ XV. Tương truyền, có một vị tướng đánh giặc Minh khi ngang qua vùng này đúng ngày mùng 6 Tết Nguyên đán thì bị địch phát hiện và vây bắt. Vị tướng bèn huy động người dân trong vùng tổ chức họp chợ nhằm che mắt giặc.
Các nghĩa binh và dân làng đã dùng đòn gánh, cọc tre, dây thừng và liềm hái làm vũ khí. Đám quan binh của giặc Minh lầm tưởng là một phiên chợ bình thường nên mất cảnh giác. Chờ vị tướng phát lệnh, các nghĩa sỹ Lam Sơn và dân làng đã dùng đòn gánh, gậy tre, liềm hái có sẵn vung lên, khiến giặc không kịp trở tay. Tưởng nhớ công lao của vị tướng tài, mưu trí, hàng năm cứ đến mùng 6 tết, người dân trong vùng lại về trận chiến đánh bại giặc Minh năm nào họp chợ, tri ân và tưởng nhớ các anh hùng, nghĩa sĩ đã đánh đuổi giặc ngoại xâm cho đất nước, quê hương yên bình, hạnh phúc.
Năm nào cũng vậy, chợ họp một lần vào ngày mùng 6 tết, dù mưa, hay nắng người người đều đến chợ rất đông và số đông là nam thanh, nữ tú đến đây để giao lưu, cầu may. Chợ họp từ rất sớm, có năm đến tối mịt chợ mới vãn.